Chiều 5.11, Quốc hội (QH) nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu thảo luận dự án Luật Thư viện
Sau đó, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về phân bổ 4.069 tỷ đồng trong tổng số 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và một số nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2020.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thư viện, các đại biểu cho rằng trong trường phổ thông, thư viện được xác định là một hạng mục thiết yếu, trung tâm sinh hoạt văn hóa khoa học của nhà trường, được Nhà nước đầu tư xây dựng hạng mục và hoạt động khá đồng bộ với phòng học bộ môn chức năng của trường. Tuy nhiên, việc nhìn nhận từ góc độ thực tiễn lại cho thấy sự lãng phí.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng ở nhiều nơi thư viện chỉ được coi là một kho chứa sách trong khi nhiều trường còn đang thiếu phòng học, nguồn tài nguyên của thư viện không được khai thác, gây lãng phí.
Số lượng các đầu sách không nhiều và chất lượng không cao, không hướng tới nhu cầu của độc giả, ít lựa chọn cho học sinh dẫn tới nhiều học sinh phổ thông không còn thiết tha với thư viện trường học. Vị trí của thư viện lại đặt không hợp lý trong khuôn viên của trường, không thuận lợi cho học sinh lui tới. Thời gian hoạt động của thư viện theo giờ hành chính - mở cửa khi học sinh đã vào học và đóng cửa trước khi học sinh tan học, thời gian nghỉ giải lao ở trường của học sinh lại hạn hẹp.
Đại biểu Lâm Đình Thắng (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần bổ sung quy định đưa tiết đọc sách vào khung chương trình chính thức ở cấp học phổ thông. Thời gian đọc hiện nay của học sinh ở trường chủ yếu là giờ ra chơi với bầu không khí hoàn toàn không phù hợp để các em có thể tập trung thưởng thức và thẩm thấu nội dung sách.
Báo cáo thẩm tra về phân bổ 4.069 tỷ đồng trong tổng số 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, một số nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 cho thấy, việc bổ sung 241,021 tỷ đồng để thu hồi vốn ứng trước của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là cần thiết và đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
Về kiến nghị giao Chính phủ phân bổ và giao kế hoạch 1.000 tỷ đồng cấp vốn cho vay, cấp bù lãi suất, phí quản lý Chương trình nhà ở xã hội, Chương trình nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp cho các ngân hàng tham gia thực hiện chương trình, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng trên thực tế, một số khoản chi đã có chế độ, chính sách, xác định được nhiệm vụ chi, nhưng tại thời điểm quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 chưa có đủ căn cứ xác định số phân bổ cụ thể đối với từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương (trong đó có khoản 1.000 tỷ đồng nêu trên).
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương) phát biểu thảo luận tại hội trường
Vì vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với việc quy định trong Nghị quyết của QH giao Chính phủ phân bổ chi tiết một số khoản chi để bảo đảm tính chủ động, kịp thời trong triển khai thực hiện.
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về điều khoản chuyển tiếp và đề nghị giảm các thủ tục trình tự giao vốn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ thực trạng chậm giải ngân theo Luật Đầu tư công hiện hành và cho rằng phần lớn xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan như việc chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án chưa kỹ càng, tính chủ động, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án còn thấp, năng lực nhà thầu hạn chế... Theo Bộ trưởng, hiện vẫn còn 20.000 tỷ đồng chưa giải ngân vì quy trình thủ tục rất phức tạp.
Theo Luật Đầu tư công mới quy định, sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ giao cho từng ngành, địa phương thực hiện. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương giao chi tiết, sau đó báo cáo lại, nghĩa là sẽ chuyển từ tiền kiểm, sang hậu kiểm...
Theo TTXVN