Thú vị nghề dạy chó

20/02/2018 07:01

Chăm chút từng bữa ăn, miệt mài hướng dẫn từng động tác, luôn dành tình cảm yêu thương cho "người bạn" thân thiết... là những trải nghiệm thú vị của người làm công việc huấn luyện chó.


Những chú chó sau khi được huấn luyện có tính kỷ luật hơn

Lớp học đặc biệt

Trại huấn luyện chó Đức Hải ở xã Liên Hồng (Gia Lộc) nuôi rất nhiều giống chó khác nhau, từ các loại chó cảnh nhỏ bé cho đến các loại chó to lớn đắt tiền có xuất xứ từ châu Âu, châu Mỹ… Hiện có hơn 30 con chó các loại được chủ gửi về trại để huấn luyện, dạy dỗ. Anh Nguyễn Văn Đức, chủ trại huấn luyện niềm nở giới thiệu cho chúng tôi một buổi lên lớp cho những "học sinh" đặc biệt này.

Mở đầu buổi học luôn là những động tác cơ bản như chạy, chào, ngồi, nằm. Hơn chục chú chó răm rắp tuân theo khẩu lệnh. Tiếp theo là những bài học nâng cao như bò, trườn, đi cầu khỉ, bảo vệ đồ vật, tấn công… Theo từng cử chỉ và khẩu lệnh của huấn luyện viên, các chú chó sẽ có những động tác tương ứng. Anh Đức cho biết: “Thời gian huấn luyện thường kéo dài khoảng 3 tháng tùy theo sự thông minh, nhanh nhẹn và phản xạ tâm lý của từng con. Để có được kết quả tốt, mỗi chú chó phải được huấn luyện riêng lẻ. Người huấn luyện phải hiểu tâm tính của từng con để có bài dạy riêng. Nhiều khi phải chiều theo cảm xúc của chúng theo từng ngày, mà không được quát mắng hay đánh đập”.

Sau 20 phút ôn bài, các “học viên” chuyển sang bài tập bảo vệ. Trong bài tập này, các chú chó sẽ được học cách bảo vệ đồ vật, tìm đồ vật, tuần tra, vượt chướng ngại vật, truy đuổi và bắt mục tiêu. Đây cũng là bài tập mất nhiều thời gian nhất vì phải chế ngự bản năng của từng chú chó. Vì thế, những ngày đầu tập luyện, huấn luyện viên luôn phải dùng đến dây cương để điều khiển. Khi “học viên” đã thuộc bài thì chỉ cần khẩu lệnh phù hợp với động tác. Muốn chó phát huy được khả năng, có tính kỷ luật thì người dạy phải tạo được mối quan hệ thân thiết và hiểu chúng. Bên cạnh đó, phải kết hợp thưởng-phạt rõ ràng. Vì vậy, những ngày đầu giao về trại, các chú chó được huấn luyện viên dẫn đi dạo, đi bơi, khi rảnh rỗi thì vuốt ve, chơi đùa để tạo môi trường thân thiện, hòa đồng.

Anh Đức cho biết trong các bài tập, tốn công sức nhất là dạy chó bảo vệ. Việc này phải có ít nhất 2 người, một huấn luyện viên và một người đóng vai đối tượng tình nghi (hay còn được gọi là quân xanh). Quân xanh phải là người có bản lĩnh. Khi đóng vai, quân xanh sẽ mặc trang phục bảo hộ chắc chắn để cho chó tấn công theo hiệu lệnh. Hằng ngày, những người đóng vai này phải tập đi tập lại các động tác nhiều lần cho thuần thục.

Một ngày có 2 buổi học sáng và chiều tối, mỗi buổi kéo dài khoảng 2-3 giờ. Các chú chó trước khi về trại thường rất hiếu động, sống bản năng nhưng khi tham gia khóa học, chúng sống kỷ luật hơn, nghe lời hơn. Mỗi lần bàn giao cho chủ, anh Đức đều cảm thấy hạnh phúc khi chủ chó bày tỏ sự hài lòng về chất lượng của khóa đào tạo.

Say nghề

Dù mới 32 tuổi nhưng tình yêu động vật đã giúp anh Đức đến với nghề dạy chó từ rất sớm. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thú y và mất 3 năm học huấn luyện chó tại trường nghiệp vụ ở Hà Nội, năm 2009, anh Đức và vợ quyết định thuê 5.000 m2 đất để mở trại huấn luyện chó.

Thời điểm ấy trong tỉnh chưa có trại huấn luyện nào như vậy. Người dân có nhu cầu phải gửi chó đi các trung tâm huấn luyện ở tỉnh xa, mất nhiều chi phí. Từ ngày anh Đức mở trại, khách đến khá đông. Bình quân mỗi năm anh huấn luyện khoảng 50-60 con chó với mức giá 12 triệu đồng/con/khóa. Những chú chó sau khi được anh huấn luyện đều có tính kỷ luật cao, biết nghe lời và thuần thục mọi động tác theo khẩu lệnh. Anh Đức chia sẻ: “Làm nghề này phải có tính kiên trì và tình yêu động vật. Mỗi con chó giống như một đứa trẻ. Hiểu, gần gũi và dạy đúng cách thì chúng sẽ nghe lời, coi mình như một người bạn. Đến giờ, tôi vẫn nhớ tên hàng trăm chú chó mà tôi đã dạy”.

Bên cạnh những điểm thú vị, nghề dạy chó cũng có nhiều nguy hiểm rình rập mà người huấn luyện chỉ cần sơ sẩy là có thể gặp phải. Anh Đức chia sẻ thêm, nhiều khi do sơ ý không mặc bảo hộ đúng cách, thực hiện bài dạy nóng vội bỏ qua các bước cơ bản hay gặp phải chú chó có tính hung hăng mà chưa tìm hiểu kỹ để khắc chế thì dễ dàng bị tai nạn ngay. Bản thân anh Đức cũng đã có lần bị chó tấn công gây thương tích nhưng với kinh nghiệm và tình yêu nghề, anh đã bình tĩnh trấn an “học viên” và đưa chúng vào khuôn khổ.

Mặc dù xuất hiện từ khá lâu nhưng nghề dạy chó vẫn còn khá “lạ" và "độc” nên số người theo nghề này trong tỉnh ta chưa đếm hết đầu ngón tay. Anh Đức chia sẻ có lần đi xe máy trên phố bỗng nghe thấy tiếng gọi phía sau: “Misa, Misa…". Anh liền quay lại thì thấy một chú chó giống sói chạy theo. Phía sau, chị chủ xinh đẹp cũng hớt hải gọi với. Hóa ra, con chó này trước đây đã được anh huấn luyện. Gặp anh nó vẫn nhớ, vẫn quấn quýt khi nhận ra. Lúc chia tay, “thầy-trò” bịn rịn không muốn rời xa.

Câu chuyện anh kể khiến chúng tôi hiểu vì sao bất chấp khó khăn và nguy hiểm, những người như anh Đức vẫn gắn bó với nghề. Bởi đó không chỉ đơn thuần là nghề kiếm cơm mà còn xuất phát từ tình yêu thương động vật, coi chúng như người bạn thân thiết.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thú vị nghề dạy chó