Tiếp tục giảm giá thịt lợn về mức hợp lý, không điều chỉnh tăng giá điện, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá xăng dầu là những yêu cầu của Thủ tướng để bình ổn thị trường dịp cuối năm.
Trong văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá, về công tác điều hành giá cả thị trường những tháng còn lại của năm 2020. gười đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp.
Công tác điều hành này cần được tập trung đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm và hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân miền Trung đang khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt.
Thủ tướng chỉ đạo cần chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào cuối năm dịp Tết Dương lịch, Noel, mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán để hạn chế tăng giá. Mục tiêu là kiểm soát lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 dưới 3%.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai tốt các chương trình bình ổn thị trường để tiếp tục giảm giá thịt lợn về mức hợp lý. Các biện pháp cần thực hiện quyết liệt gồm kiểm soát dịch bệnh; tăng cường tái đàn, nhập khẩu thịt lợn và lợn sống để đảm bảo nguồn cung; kiểm soát khâu lưu thông, phân phối, giảm thiểu các khâu trung gian, hoàn thiện hệ thống phân phối.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hợp lý quỹ bình ổn giá xăng dầu để thực hiện điều hành giá bán trong nước phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Bộ Công thương cũng tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện giữ ổn định giá điện, không thực hiện điều chỉnh tăng giá điện.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo EVN không tăng giá điện. Ảnh: EVN |
Bộ Giao thông vận tải cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng thể, chi tiết việc triển khai xã hội hóa sách giáo khoa để đề xuất phương án quản lý giá sách giáo khoa cho phù hợp với thực tiễn.
Bộ Tài chính nghiên cứu rà soát, đánh giá tổng thể việc thi hành Luật Giá để có định hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu công tác quản lý giá nói chung trong đó có vấn đề quản lý giá sách giáo khoa.
Bộ Y tế khẩn trương triển khai việc tính đúng, tính đủ giá xét nghiệm Covid-19 theo quy định, gửi Bộ Tài chính để ban hành giá tối đa (đối với xét nghiệm do Bộ Y tế đặt hàng) và công bố giá xét nghiệm do Bộ Y tế quy định theo thẩm quyền.
Đối với giá vật tư y tế, cần tiếp tục tăng cường cập nhật, công khai kết quả trúng thầu vật tư, trang thiết bị y tế minh bạch đến người dân và xã hội, nhất là thông tin về giá các mặt hàng phục vụ chống dịch Covid-19.
Theo Zing