Ngày 23.11.2022 là tròn 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922-11.6.2008).
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch ngày 2.9.1992 (ảnh tư liệu)
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân về hình ảnh một vị lãnh đạo luôn mang khát vọng, tinh thần đổi mới và cống hiến vì dân.
Những lần Thủ tướng về Hải Hưng
Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhiều lần về thăm và làm việc với cán bộ, nhân dân Hải Hưng. Hầu hết những lần người đứng đầu Chính phủ về địa phương, đồng chí Lê Quý Đôn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Hưng đều được đón, làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đồng chí Lê Quý Đôn nhớ lại, ngày 2.9.1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (nay là Thủ tướng Chính phủ) về thăm Nhà máy xi măng Hoàng Thạch. Trước khi làm việc với ban lãnh đạo nhà máy, Thủ tướng đã trực tiếp đến thăm từng phân xưởng, ân cần thăm hỏi cán bộ, công nhân. Phát biểu tại buổi làm việc với đội ngũ lãnh đạo nhà máy, Thủ tướng nhấn mạnh sản xuất xi măng là một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế đất nước. Trong công cuộc đổi mới, nhu cầu xi măng càng trở nên cấp bách. Do đó, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo phải biết khai thác triệt để những thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, cung cấp xi măng cho đất nước. Lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục quan tâm phát triển ngành công nghiệp xi măng bởi Hải Hưng có lợi thế vùng núi đá vôi tại khu vực huyện Kinh Môn. Quá trình quy hoạch phát triển cần tính toán bảo đảm tiết kiệm nguyên liệu và giữ gìn giá trị văn hóa tại khu di tích động Kính Chủ, núi Nhẫm Dương...
Đồng chí Phạm Văn Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng là người đón tiếp, báo cáo Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những lần về thăm, làm việc tại Hải Hưng. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh ngày 12.8.1994, Thủ tướng đã phân tích kỹ điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tiềm năng của Hải Hưng, cơ hội trong thời kỳ mới. Đồng chí Võ Văn Kiệt cũng nhấn mạnh quá trình phát triển đi lên, tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại nhưng phải thấy đây là việc khó trong yêu cầu phát triển để nuôi dưỡng ý chí quyết tâm. Thủ tướng đã gợi mở cho Hải Hưng nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội như tỉnh cần chú trọng tăng năng suất, giá trị cây vụ đông; quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ các loại trái cây đặc sản nhãn, vải. Trong sản xuất công nghiệp, tỉnh cần ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ cho Nhà máy Sứ Hải Dương, Nhà máy Đá mài Hải Dương phát triển mạnh mẽ hơn nữa, coi đây là bệ đỡ cho tỉnh trong phát triển kinh tế.
“Thủ tướng Võ Văn Kiệt có tác phong rất bình dị, cởi mở và gần gũi. Mỗi lần về thăm và làm việc với tỉnh, Thủ tướng đều gợi mở cho tỉnh rất nhiều chủ trương mới trong phát triển kinh tế. Đồng thời, những đề xuất, kiến nghị của tỉnh đều được Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng giải quyết kịp thời như triển khai dự án quốc lộ 5, cầu Phú Lương, cầu Bình...", nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Thọ nhớ lại.
Dấu ấn những công trình lớn
Những năm 90 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã dần ổn định sau những năm rất khó khăn. Giai đoạn này, miền Bắc và miền Trung đã bảo đảm về điện năng, thậm chí Nhà máy thủy điện Hòa Bình không sử dụng hết sản lượng điện sản xuất nhưng miền Nam lại thiếu điện trầm trọng, nhất là cho sản xuất công nghiệp. Trước thực trạng này, năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã đề xuất xây dựng đường điện 500 kV kết nối Bắc - Nam, giúp khắc phục tình trạng thiếu điện. Công trình được Bộ Chính trị thông qua vào tháng 1.1992. Sau hơn 2 năm xây dựng thần tốc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong giải phóng mặt bằng, cung cấp nhân lực, vật lực và bảo đảm an toàn cho đường dây, ngày 27.5.1994, dòng điện Bắc - Nam đã chính thức “lưu thông” trên toàn tuyến.
Cùng với công trình đường dây tải điện 500 kV xuyên Việt, dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn gắn liền với nhiều công trình ý nghĩa như các công trình thủy điện Trị An, Thác Mơ, Đa Nhim; các công trình giao thông quy mô lớn như xa lộ Bắc Thăng Long - Nội Bài, cầu Mỹ Thuận; khu công nghiệp Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi... Đó là những công trình quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng chí Võ Văn Kiệt cũng có công lớn trong quyết định mở kênh thủy lợi Hồng Ngự - Vĩnh Hưng dài 45 km giúp dẫn nước ngọt, cải tạo vùng đất Đồng Tháp Mười và nhiều chính sách đầu tư khác để phát triển sản xuất nông nghiệp nơi đây. Từ một vùng gần như không canh tác được, năm 1987, Đồng Tháp Mười đã trồng được trên 300.000 ha lúa, những năm sau đó diện tích canh tác tiếp tục tăng mạnh. Hiện nay, vùng đất này đã đóng góp lớn trong cung cấp lương thực cho cả nước và phục vụ xuất khẩu.
Bày tỏ ấn tượng với những đóng góp lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tiến sĩ Lê Xuân Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh nhận xét: “Cuộc đời, sự nghiệp và quá trình hoạt động của Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại rất nhiều dấu ấn sâu đậm trên tất cả các lĩnh vực, luôn thể hiện là một tấm gương sáng, một vị lãnh đạo mang khát vọng, tinh thần đổi mới vì nước, vì dân”.
HÀ VY