Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 12-5 khẳng định không làm gì sai sau khi báo chí nước này phát hiện tên ông xuất hiện trong "Hồ sơ Panama".
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull - Ảnh: Reuters |
Ông Malcolm Turnbull lúc đó còn giữ vai trò là cựu giám đốc một công ty tại thiên đường thuế quần đảo Virgin của Anh.
Theo tờ Australian Financial Review, Công ty Star Technology Services do Công ty luật Mossack Fonseca thành lập nhằm khai thác vàng ở Siberia. Ông và cựu thủ hiến bang New South Wales Neville Wran được bổ nhiệm vào ban giám đốc công ty này vào năm 1995.
Trước đó, ông Turnbull và ông Wran cũng nằm trong ban quản trị của Star Mining NL năm 1993, công ty mẹ của Star Technology Services.
Công ty có kế hoạch phát triển dự án mỏ vàng trị giá 14,67 USD tại Siberia với tên gọi Sukhoi Log. Cả hai ông Turnbul và Wran rút khỏi cả hai công ty cuối năm 1995.
Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin nào về chứng minh ông Turnbull có sai phạm liên quan đến việc này.
“Chẳng có ám chỉ sai phạm gì ở đây cả. Chuyện chẳng có gì mới - Reuters dẫn lời ông Turnbul tuyên bố - Công ty mà tôi và ông Neville Wran làm giám đốc là một công ty được niêm yết tại Úc và nếu nó có sinh lợi, đáng tiếc là không, thì chắc chắn đã đóng thuế ở Úc”.
Tuy nhiên, thông tin vừa tiết lộ có thể gây sức ép lên Thủ tướng Turnbull trước thềm cuộc bầu cử liên bang.
Ông Turnbull, một cựu doanh nhân kỹ thuật và làm ăn trong lĩnh vực đầu tư, đang chạy đua trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra ngày 2-7 tới. Đến nay liên minh cầm quyền của ông vẫn đang bị phe đối lập theo sát.
Lãnh đạo phe đối lập Bill Shorten khẳng định Thủ tướng Úc sẽ phải trả lời nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến vụ việc.
“Tôi không tin những gì ông ấy nói sáng nay là một lời giải thích đầy đủ. Nhưng để công bằng thì ông Turnbull nên có cơ hội trả lời những câu hỏi, giải thích những gì ông ấy biết và mức độ liên quan của ông ấy đến vụ việc” - tờ ABC News của Úc dẫn lời ông Shorten.
Theo các kết quả điều tra 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một “thiên đường thuế”, qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế.
Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ danh tính cũng như bí mật của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới có những tài sản khổng lồ ở nước ngoài.
Theo Tuổi trẻ