Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng động thái chặn chia sẻ tin tức báo chí của Facebook chỉ xác nhận mối quan ngại rằng các công ty công nghệ lớn cho rằng mình có quyền hạn cao hơn chính phủ.
Thủ tướng Úc Scott Morrison - Ảnh: REUTERS
"Các hành động hủy kết bạn với Úc ngày hôm nay của Facebook, cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp, vừa ngạo mạn vừa đáng thất vọng. Họ có thể đang thay đổi thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là họ điều hành nó", Thủ tướng Morrison viết trên Facebook ngày 18.2.
Facebook cùng ngày đã bất ngờ không cho đăng tin tức báo chí Úc trên nền tảng này để phản ứng dự luật của Canberra yêu cầu các hãng công nghệ trả tiền cho nội dung báo chí.
Theo ông Morrison, hành động của Facebook sẽ chỉ "xác nhận mối quan ngại của nhiều nước về hành vi của các công ty công nghệ lớn cho rằng mình có quyền hạn cao hơn chính phủ".
Trang Facebook của các công ty tin tức như Nine, News Corp, Australian Broadcasting Corp - vốn đóng vai trò là nguồn thông tin tham khảo chính trong các đợt thiên tai - hiện không có nội dung gì. Các trang của chính quyền Úc như Sở Y tế bang Queensland và Nam Úc - nguồn thông tin tham khảo quan trọng của hơn 5 triệu người trong dịch COVID-19 - cũng trống rỗng.
Theo dự luật gọi là Luật đàm phán truyền thông của Úc, các gã khổng lồ công nghệ phải thương lượng trả phí cho các hãng báo chí để sử dụng nội dung tin tức trên các nền tảng của mình, kể cả trong phần kết quả tìm kiếm.
Nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, Úc sẽ chỉ định cơ quan quyết định mức phí, khi đó Google và Facebook sẽ không còn quyền lựa chọn.
Thủ tướng Úc khẳng định động thái của Facebook sẽ không ngăn quốc hội nước này thông qua dự luật. Trong ngày, hàng loạt bộ trưởng Úc cũng lên tiếng chỉ trích công ty công nghệ Mỹ công kích nền dân chủ Úc, theo Guardian.
Mặc dù Úc là một thị trường nhỏ, đạo luật của nước này đang được các nhà quản lý trên toàn thế giới theo dõi chặt chẽ và có thể là phép thử cho một nỗ lực toàn cầu nhằm buộc các gã khổng lồ Internet chia sẻ một phần doanh thu các nhà cung cấp nội dung.
Các nhà xuất bản tin tức cho rằng các nền tảng như Google và Facebook thu lời lớn khi ngành truyền thông chuyển sang trực tuyến, trong khi các tờ báo, tạp chí, đài truyền hình và đài phát thanh và các trang web trên khắp thế giới vật lộn với khó khăn và buộc phải đóng cửa các tòa soạn.
Trong động thái giải thích sau đó, Facebook nói rằng việc chặn chia sẻ tin tức báo chí Úc là do dự thảo luật của nước này không nói rõ ràng về định nghĩa nội dung tin tức.
"Các hành động mà chúng tôi đang thực hiện tập trung vào việc hạn chế các nhà xuất bản và người dân ở Úc chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức của Úc và quốc tế. Do đạo luật không đưa ra hướng dẫn rõ ràng về định nghĩa của nội dung tin tức, chúng tôi đã đưa ra một định nghĩa rộng để tôn trọng luật như đã soạn thảo", Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của Facebook.
Theo Tuổi trẻ