Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải coi tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; người dân là chủ thể, là trung tâm, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 5.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo: Các Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Các điểm cầu có thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương là Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, nhất là việc tiêm vaccine
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 8,3 triệu ca đã khỏi bệnh, có hơn 10.000 ca tử vong (chiếm 0,1%). Tích lũy đến nay, cả nước ghi nhận 10.748.639 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.708.984 người khỏi bệnh (90,3%), 43.087 ca tử vong (0,4%).
Đáng chú ý, từ ngày 15.3 đến nay, cả nước ghi nhận 4.368.193 ca mắc, 1.610 ca tử vong (tỷ lệ ca chết/mắc là 0,04%; giảm mạnh so với 3,5 tháng trước đó với tỷ lệ ca chết/mắc là 0,25%). Trong tháng 6 qua, số ca mắc chững lại ở khoảng 600-700 ca/ngày; số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm. Trong 30 ngày qua, tỷ lệ ca chết/mắc là 0,02%, trong đó số mắc giảm 4,5 lần và số ca tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó, có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong.
Về tình hình triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến hết ngày 3.7, Việt Nam đã tiêm được hơn 233 triệu liều, tỷ lệ sử dụng đạt 97,3%. Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới. Tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của WHO.
Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia châu Âu như Italy, Đức, Mỹ, Đan Mạch, Ba Lan...
Quang cảnh phiên họp lần thứ 15 Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tuy vậy, thời gian qua, tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Có tình trạng tồn đọng vaccine COVID-19 tại Trung ương và các địa phương.
Trong khi đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác phòng, chống dịch nói chung. Việc triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực y tế còn chậm, chưa đạt tiến độ theo yêu cầu.
Cần có quy định, hướng dẫn, công thức mới trong phòng, chống dịch
Phát biểu tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia và Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 ở các địa phương thẳng thắn thảo luận, đánh giá tình hình, rà soát công tác phòng, chống dịch, nhất là việc tiêm vaccine; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất các mục tiêu, giải pháp cụ thể để tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Các đại biểu cho rằng, có tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, nhất là trong việc tiêm vaccine, thậm chí một bộ phận người dân né tránh tiêm chủng do đã mắc bệnh hoặc thấy tình trạng bệnh nhẹ khi mắc nên không muốn tiếp tục tiêm vaccine. Công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng tại chưa thực sự hiệu quả.
Đặc biệt, hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn, công thức mới trong phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế. Việc rà soát việc nhân viên y tế nghỉ việc trong các cơ sở y tế công lập chưa được tổng hợp, phân tích cụ thể, chi tiết nên chưa khẳng định được nhân viên y tế nghỉ việc có phải chỉ do áp lực công việc, thu nhập thấp, hay do các lý do sức khỏe, gia đình, chuyển việc. Việc thống kê, phân tích số liệu liên quan dịch bệnh cần được tổ chức hiệu quả hơn. Rà soát, bố trí, phân bổ nguồn lực phòng, chống dịch phù hợp với tình hình...
Ban Chỉ đạo nhận định, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Do đó, trong thời gian tới, các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.
Hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Điều chỉnh công thức phòng, chống dịch từ 5K xuống 2K
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định,toàn quốc kiểm soát được tình hình dịch COVID-19, các hoạt động đang trở lại trạng thái bình thường, kinh tế-xã hội phục hồi nhanh.
Theo Thủ tướng, có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự ủng hộ, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế...
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường với sự xuất hiện biến thể phụ BA.5 của Omicron tại nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Trong nước, sau khi tình hình dịch được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước đã có tâm lý lơ là, chủ quan, nhất là trong việc tiêm vaccine; việc kiểm tra, đôn đốc thiếu quyết liệt. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn phòng, chống các dịch bệnh khác, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân và xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để dịch tái bùng phát trở lại vì không có người dân nào an toàn, khi có người khác mắc CVOID-19; không có quốc gia nào an toàn khi có quốc gia khác còn phải chống dịch; không có tỉnh, huyện, xã nào an toàn khi còn có tỉnh, huyện, xã khác đang phải chống dịch.
“Chúng ta phòng, chống dịch bệnh tốt để có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội; bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng đất nước hùng, cường, thịnh vượng...”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng yêu cầu phải coi tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; người dân là chủ thể, là trung tâm, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân; phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, chống dịch là thường xuyên, quan trọng, đột phá; phòng chống dịch từ sớm, từ xa, mỗi người được tiếp cận y tế sớm nhất, nhanh nhất có thể, ngay từ cơ sở.
“Phòng, chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của nhân dân. Tiêm vaccine là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân với chính mình, gia đình và cộng đồng, xã hội,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tiếp tục 3 trụ cột trong phòng, chống dịch COVID-19 là “xét nghiệm, cách ly, điều trị”; xem xét có hướng dẫn cụ thể thực hiện công thức phòng, chống dịch mới gồm “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.”
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17.3.2022 của Chính phủ; chủ động xây dựng và tập huấn với mọi tình huống có thể xảy ra, kể cả trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.
Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đảm bản an toàn, khoa học, hiệu quả, nhất là đối với các đối tượng tuyến đầu và quản lý rủi ro. Theo đó, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, thực hiện ngay việc quán triệt và chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vaccine cho cán bộ, chiến sỹ, quân nhân, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn ngành... trên tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tiêm vaccine.
Các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh thông tin truyền thông về tác dụng, hiệu quả của vaccine, nhất là hiệu quả về ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, tử vong. Xác định tiêm vaccine là để phòng, chống dịch, do vậy mọi người phải chủ động đi tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe của bản thân, bảo vệ gia đình mình và góp phần bảo vệ cộng đồng.
Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và UBND cấp tỉnh tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; rà soát, bảo đảm năng lực thu dung, điều trị; chủ động, sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tập trung xử lý, kiểm soát chặt chẽ dịch sốt xuất huyết. Bộ Y tế chú trọng việc triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong lĩnh vực y tế.
Đối với vấn đề bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế, nhân lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và khám chữa bệnh cho nhân dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thần tốc triển khai các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 23.6.2022 và Công văn số 4035/VPCP-KTTH ngày 29.6.2022; khẩn trương hoàn thành hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan liên quan và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế. Các bộ liên quan đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực phối hợp, góp ý vào dự thảo nghị quyết.
“Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan phải cải tiến thủ tục hành chính trong đấu thầu thuốc, cấp phép thuốc; công bố rộng rãi, công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật giá thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế... đảm bảo việc cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, thông thoáng, đúng pháp luật,” Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Y tế và các địa phương ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở trong đó quan tâm đầu tư và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trường học. Ngành y tế tại địa phương chủ động phối hợp, hỗ trợ ngành Giáo dục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, đáp ứng yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, ổn định và phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế có đánh giá miễn dịch cộng đồng đối SAR-CoV2 trên phạm vi toàn quốc và các dịch bệnh khác để có giải pháp phù hợp; tổ chức thống kê trung thực, đầy đủ, chính xác để phân tích và có giải pháp khắc phục tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập; tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước để chủ động khi có dịch bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, đặc biệt cơ quan truyền thông tăng cường truyền thông thông điệp phòng, chống dịch, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay, đồng thời không bị động trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại; trên cơ sở đó, tổ chức triển khai hiệu quả để nhân dân hiểu, chia sẻ và tích cực tham gia, ủng hộ, thực hiện.
Theo TTXVN