Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson thừa nhận thất bại của đảng cầm quyền và tuyên bố sẽ từ chức, trong bối cảnh phe đối lập giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử Quốc hội.
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) cùng Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một buổi họp báo ngày 5.7 tại trụ sở NATO ở Bỉ - Ảnh: AP
Với tỉ lệ bỏ phiếu 95-1, Thượng viện Mỹ đã ủng hộ việc phê chuẩn văn kiện gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, Hãng tin AFP đưa tin.
Điều này cũng có nghĩa là Mỹ trở thành quốc gia thành viên thứ 23 trong 30 quốc gia thành viên NATO tán thành việc hai quốc gia Bắc Âu gia nhập liên minh.
Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO để phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Matxcơva đã nhiều lần cảnh báo Stockholm và Helsinki về việc gia nhập liên minh quân sự này.
Đầu tháng 7, NATO đã thông báo liên minh quân sự này chính thức khởi động quy trình phê chuẩn Thụy Điển và Phần Lan trở thành các thành viên mới nhất của khối.
Tại thời điểm đó, Stockholm và Helsinki đã có thể tham gia các cuộc họp của NATO và được tiếp cận nhiều hơn với thông tin tình báo. Tuy nhiên, hai nước này sẽ không được bảo vệ theo điều 5, điều khoản quốc phòng của NATO nêu rõ rằng một cuộc tấn công vào một thành viên liên minh là một cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên liên minh.
Ngày 5.7, Canada đã trở thành nước đầu tiên phê chuẩn việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO. Một số quốc gia khác bao gồm Đức, Ý cũng đã chấp thuận việc kết nạp hai quốc gia Bắc Âu này.
Theo quy định, một ứng viên bắt buộc phải nhận được sự đồng ý của tất cả thành viên NATO hiện có thì mới được kết nạp.
Theo hãng tin Reuters, lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer đã mời các đại sứ và các nhà ngoại giao khác của Thụy Điển và Phần Lan đến Thượng viện để quan sát cuộc bỏ phiếu.
Theo Tuổi trẻ