Thủ tướng nhấn mạnh, GMS cần ưu tiên hợp tác chặt chẽ, hiệu quả để kiểm soát COVID-19; xây dựng cơ chế phối hợp ứng phó các dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai.
Ngày 9.9, nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến.
Dự Hội nghị có Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường; Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh; Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha; Chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar Min Aung Hlaing; Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatsugu Asakawa và gần 350 đại biểu, đại diện các Bộ, ngành sáu nước, các đối tác phát triển và khối doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.
Với chủ đề của “GMS: Củng cố sức mạnh để đối mặt với những thách thức của thập kỷ mới’, các Nhà lãnh đạo các quốc gia tiểu vùng Mê Kông mở rộng, các tổ chức quốc tế đã đã rà soát tình hình hợp tác kể từ Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 (tháng 3.2018) và thảo luận phương hướng hợp tác trong thập kỷ mới cũng như các giải pháp để vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn hiện nay.
Hội nghị đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà hợp tác GMS đã đạt được trong gần ba thập kỷ qua trên cơ sở triển khai chiến lược 3C “Kết nối, Cạnh tranh và Cộng đồng”. Đến nay, quy mô hợp tác đạt 28 tỷ USD với hàng trăm dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có xây dựng và nâng cấp gần 12.000 km đường bộ, 700 km đường sắt, gần 3.000 km đường dây truyền tải điện. GMS cũng là cơ chế hợp tác đi đầu thúc đẩy việc xây dựng các tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia Đông - Tây và Bắc - Nam.
Trong ba năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng hợp tác GMS vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong triển khai Kế hoạch hành động Hà Nội 2018-2022, nổi bật là việc hoàn thành 11 dự án giao thông với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ USD.
Về định hướng hợp tác giai đoạn mới, Hội nghị thông qua “Kế hoạch ứng phó đại dịch COVID-19 và phục hồi của GMS giai đoạn 2021-2023” và “Khung chiến lược Chương trình Hợp tác kinh tế GMS 2030”. Theo đó, các nhà Lãnh đạo đã đưa ra tầm nhìn 2030 về một khu vực GMS hội nhập, thịnh vượng và phát triển bền vững và bao trùm.
Để hiện thực hoá tầm nhìn, Hội nghị thống nhất các nội dung: Tận dụng cuộc cách mạng số để nâng cao cao hiệu quả và tính bao trùm của nền kinh tế; cải thiện cách tiếp cận không gian trong phát triển với việc xây dựng mạng lưới các hành lang kinh tế, gắn kết khu vực biên giới, các thành phố lớn và khu vực nông thôn; thúc đẩy kết nối năng lượng, hướng đến hình thành thị trường năng lượng khu vực cạnh tranh; tăng cường đối thoại về chính sách và quy định, chú trọng các giải pháp dựa trên tri thức và nâng cao năng lực; phát huy tiềm năng và năng lực của khu vực tư nhân; nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình phát triển; xây dựng GMS là cơ chế hợp tác mở, phối hợp, bổ trợ các cơ chế khu vực khác.
Trong giai đoạn đến năm 2023, nhằm hỗ trợ các nước ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế, GMS sẽ: Đẩy mạnh hợp tác về vaccine để bảo đảm các nước tiếp cận được vaccine phòng COVID-19 an toàn, giá cả phải chăng, công bằng và hiệu quả; triển khai đồng bộ các biện pháp về bảo đảm sức khỏe con người và động vật, cây trồng, thực phẩm và môi trường đô thị lành mạnh; ổn định chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu để bảo đảm dòng chảy của hàng hoá và dịch vụ thiết yếu, tạo thuận lợi cho việc di chuyển an toàn, trật tự của người lao động; thúc đẩy hợp tác giữa các nước về giao thông, đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp đồng thời bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Các nhà Lãnh đạo GMS cũng khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác trong sử dụng bền vững và quản lý tổng thể các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước, thông qua hợp tác xuyên biên giới và nỗ lực chung nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng tại khu vực GMS.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò chiến lược của tiểu vùng Mê Kông mở rộng trong tiến trình hội nhập quốc tế và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của châu Á. Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà hợp tác GMS đã đạt được, khẳng định những thành tựu của hợp tác GMS đã hỗ trợ hiệu quả cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, định hình cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu.
Thủ tướng nhận định giai đoạn khó khăn hiện nay cũng là cơ hội để các nước thành viên GMS thể hiện nỗ lực, quyết tâm, cùng nhau đoàn kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển. Càng khó khăn, các nước GMS càng cần đoàn kết hơn, gắn bó hơn, đồng lòng, tương trợ lẫn nhau để vượt qua thách thức; cùng nhau tạo nên bản lĩnh, uy tín, thương hiệu và giá trị bền vững của GMS.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cảm ơn ADB và các đối tác phát triển về những hỗ trợ quý báu, điều phối hiệu quả và huy động nguồn lực cho các chương trình hợp tác trong khuôn khổ GMS và với các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng cũng cảm ơn các nước sản xuất được vaccine, trong đó có Trung Quốc, đã chia sẻ, giúp đỡ cho các nước khác và Việt Nam. Sự giúp đỡ này là rất quý giá trong điều kiện khan hiếm vaccine trên toàn cầu hiện nay.
Thủ tướng khẳng định các nước GMS những nước láng giềng núi sông gắn liền, cùng chung dòng sông Mê Kông huyền thoại; có truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời; có quan hệ mật thiết và tình cảm ấm áp, gắn kết giữa các dân tộc anh em. Việc phối hợp giải quyết những thách thức chung của khu vực và hỗ trợ nhau cùng phát triển là lợi ích và trách nhiệm của mỗi quốc gia GMS. Sự tin cậy chính trị và hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi, hiệu quả, thiết thực, tôn trọng luật pháp quốc tế sẽ tiếp tục là điều kiện không thể thiếu cho thành công của GMS.
Với quan điểm GMS cần có tầm nhìn và các giải pháp mang tính chiến lược để vừa giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong thập kỷ tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị hợp tác GMS trong giai đoạn tới cần ưu tiên 6 nội dung chính.
Trong đó, Thủ tướng đề nghị các nước GMS tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch COVID-19. Theo Thủ tướng, trước dịch bệnh đang lây lan toàn cầu, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn phải chống dịch COVID-19.
Do vậy, lúc này chúng ta cần ưu tiên hợp tác chặt chẽ, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch COVID-19; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp để ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai. Trọng tâm là hỗ trợ tiếp cận vaccine và dược phẩm điều trị COVID-19 một cách cởi mở, bình đẳng và minh bạch; tăng cường chia sẻ vaccine qua các cơ chế đa phương và song phương; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để xây dựng và tự chủ sản xuất vaccine, thuốc chữa các loại dịch bệnh tại khu vực. Việt Nam đề nghị các nước sản xuất được vaccine, trong đó có Trung Quốc, tiếp tục hỗ trợ cho các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần bảo đảm chuỗi cung ứng khu vực không bị đứt gãy trong bối cảnh dịch bệnh thông qua hài hoà, đơn giản hoá quy trình, thủ tục thông quan; mở “hành lang xanh” tại các cửa khẩu để vừa tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hoá qua biên giới, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng dịch; hạn chế áp dụng các rào cản thương mại.
Tạo đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông và năng lượng để nâng cao tính liên kết và sức cạnh tranh của các nền kinh tế. Với mục tiêu là hoàn thiện mạng lưới giao thông, các cửa khẩu, cảng biển GMS; thúc đẩy vận tải đa phương thức; chuyển đổi sang nền năng lượng phát thải thấp một cách hài hòa, hợp lý; nâng cao năng lực mua bán điện năng qua biên giới, vận hành hệ thống lưới điện liên kết, và phát triển cơ sở hạ tầng ngành điện.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng, phục hồi kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển trên cơ sở phát triển hạ tầng số; tăng cường thương mại điện tử, thương mại số; phát huy vai trò của công nghệ số để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch nhất là trong lĩnh vực thương mại dịch vụ; nâng cao trình độ và kỹ năng số cho doanh nghiệp và người lao động; xây dựng khung pháp lý phù hợp.
Xây dựng một GMS xanh, an toàn và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. GMS cần trở thành hình mẫu hợp tác khu vực về tăng trưởng xanh, an toàn và bền vững, chú trọng nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các dòng sông ở khu vực, đặc biệt là sông Mê Kông. Tăng cường phối hợp giữa GMS với ASEAN và các cơ chế khu vực khác; khuyến khích sự tham gia của đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng đã đề xuất tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên phát triển GMS với sự tham gia của các thành viên GMS và các đối tác phát triển để đánh giá, rà soát tiến trình hợp tác GMS cũng như mở rộng, thu hút thêm nguồn lực, ý kiến tư vấn từ các đối tác phát triển của GMS.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục đóng góp hiệu quả vào thực hiện các mục tiêu và tầm nhìn chung của GMS và cùng các nước láng giềng xây dựng một khu vực GMS ngày càng cởi mở, an toàn, hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được Hội nghị hoan nghênh và đánh giá cao. Lãnh đạo cấp cao các nước đều quan tâm, chia sẻ và đồng tình ủng hộ quan điểm và các sáng kiến của Việt Nam, đặc biệt là các định hướng quan trọng, đề xuất cụ thể để xây dựng khu vực GMS an toàn, hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, bao trùm.
Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị và thống nhất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh GMS 8 tại Trung Quốc vào năm 2024.
Theo TTXVN