Yêu cầu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng chủ trì ngày 16.3 tại Hà Nội.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản
Đặt ra yêu cầu giải phóng nguồn lực đất nước thì trước hết phải giải phóng con người thông qua thể chế, chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những gì mang lại quyền lợi người dân, dân giàu nước mạnh để tạo niềm tin rất quan trọng.
Đặc biệt đặt trong bối cảnh từ đầu nhiệm kỳ, việc kỷ luật hành chính, xử lý công việc của người dân, doanh nghiệp còn chậm, nhiều cơ chế chính sách chậm đi vào cuộc sống, nhiều tầng nấc trung gian gây cản trở phát triển, khiến niềm tin của người dân bị ảnh hưởng.
"Không được "bắn chỉ thiên", bắn mà không trúng ai, không có giải pháp kiểm tra, xử lý. Phải tháo gỡ ách tắc, chỉ rõ địa chỉ gây khó khăn cho cơ quan, doanh nghiệp và khắc phục tình trạng này" - Thủ tướng nói và khẳng định việc thành lập tổ công tác nhằm giải quyết ách tắc thể chế, thủ tục hành chính để cởi trói cho doanh nghiệp, người dân.
Làm việc với tinh thần "không ngại va chạm"
Theo Thủ tướng, đây là những thách thức vô cùng lớn bởi việc cắt bỏ thủ tục tức cắt bỏ quyền lợi, lợi ích cục bộ. Tuy vậy, trong 5 năm hoạt động, tổ công tác đã làm việc với tinh thần quyết liệt, không ngại va chạm. Từ đầu đến cuối nhiệm kỳ đã có những kết quả tích cực, góp phần để Chính phủ, Thủ tướng quyết định những việc quan trọng.
Đó là việc chấn chỉnh tình trạng nợ đọng văn bản, khi nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 1,8%; số đề án chưa trình chiếm 0,4%, chỉ bằng 1/4 so với nhiệm kỳ trước. Nhiều cuộc kiểm tra góp phần đưa nhiệm vụ giải pháp vào cuộc sống, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Đặc biệt, những tồn tại, bất cập về chính sách liên quan người dân, doanh nghiệp đã được chỉ ra, góp phần giải quyết công việc. Tinh thần cải cách quyết liệt này đã góp phần hoàn thiện thể chế chính sách, khắc phục dần tình trạng tham nhũng chính sách, tư tưởng cài cắm, giấy phép con gây khó khăn và nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.
Khắc phục nạn tham nhũng chính sách, nhũng nhiều người dân
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động của tổ công tác có sự đổi mới như cách thức xây dựng, ban hành văn bản mới, giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản chi tiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Sự phối hợp các bộ, ngành cũng ngày càng tích cực hơn, tạo tính lan tỏa tới nhiều bộ, ngành và địa phương…
Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương tinh thần thẳng thắn, không ngại va chạm với bộ trưởng, chủ tịch tỉnh của bộ trưởng, tổ trưởng tổ công tác. Đánh giá cao tinh thần lắng nghe, đối thoại, phản biện, chủ động ứng dụng công nghệ để giảm tiếp xúc, chống tham nhũng một cách thường xuyên, sát sao với tinh thần "quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, thực chất".
Mặc dù vậy, ông cho rằng còn nhiều điểm cần lưu ý, trong đó tổ công tác cần tập trung làm những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các chương trình hành động, công tác của Chính phủ, gắn thực hiện đúng chức năng là kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương.
Việc kiểm tra tránh trường hợp hình thức, chưa thực chất, các báo cáo còn mang tính đối phó. Đồng thời khắc phục tình trạng thành viên tổ công tác làm tốt nhưng tại bộ, cơ quan mình còn chậm trễ trong giải quyết công việc.
Phải "bàn giao những gì tốt đẹp nhất" cho nhiệm kỳ mới
Trước yêu cầu công việc của đất nước đòi hỏi phải dồn sức vượt qua khó khăn, Thủ tướng cho rằng Chính phủ điện tử không chỉ công nghệ, mà còn là thể chế, pháp luật, nên cần hoàn thiện, tháo gỡ. Theo đó, cần tăng cường lãnh đạo, kiểm tra giám sát.
Ông yêu cầu không quá say sưa thành tích, mà cần nhận thức đầy đủ bất cập, tồn tại, như trì trệ trong công việc, sự lạc hậu một số thể chế, chính sách… đặt yêu cầu cởi trói cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, cần tiếp tục tháo gỡ mạnh mẽ khó khăn thủ tục, thể chế, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, tăng kỷ luật kỷ cương.
Để chuẩn bị tốt nhất cho Chính phủ nhiệm kỳ XV, Thủ tướng yêu cầu "bàn giao những gì tốt đẹp nhất", tức không để việc ban hành văn bản chậm, văn bản sai diễn ra nhằm xây dựng cơ chế, chính sách, thể chế hoàn thiện hơn.
Theo Tuổi trẻ