Rạng sáng 6.11 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Paris, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Chiều tối 5.11 theo giờ địa phương, tức rạng sáng 6.11 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Paris, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron; chào xã giao Chủ tịch Thượng viện Gerald Larcher và Chủ tịch Quốc hội Richard Ferrand; tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel. Thủ tướng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean Castex.
Trong các cuộc tiếp xúc, tất cả các vấn đề hai bên đưa ra thảo luận đều đạt được sự đồng thuận cao. Hai bên khẳng định quyết tâm làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Việt Nam và Pháp khẳng định tình đoàn kết trong đại dịch COVID-19 và tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng vaccine và thuốc điều trị COVID-19.
Hai nước tái khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác trước những thách thức chung như vấn đề biến đổi khí hậu... Hai bên thể hiện quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, nhất là dạy tiếng Pháp; hợp tác trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp. Hai bên nhấn mạnh khoa học và công nghệ cũng như giáo dục đại học là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác song phương.
Các nhà lãnh đạo hai nước nhất trí tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân; tăng cường hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp.
Phía Pháp cam kết sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững, đặc biệt trong khuôn khổ các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Hai bên tái khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác cả trong lĩnh vực vệ tinh cũng như sử dụng hình ảnh vệ tinh trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng ngừa rủi ro thiên tai.
Việt Nam hoan nghênh các khoản đầu tư của Pháp vào lĩnh vực logistics và hạ tầng cảng biển, cho phép tạo thuận lợi cho thương mại giữa hai nước và cam kết duy trì hợp tác trong lĩnh vực này nhằm tránh gián đoạn chuỗi cung ứng; hợp tác trong lĩnh vực đô thị bền vững, đặc biệt là tại Hà Nội với các dự án giao thông và quy hoạch đô thị, triển khai chợ đầu mối trong tương lai.
Đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, Việt Nam và Pháp nhất trí nỗ lực hoạt động theo hướng tăng cường các quan hệ đối tác giữa EU với Việt Nam và EU với ASEAN trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU và nhiệm kỳ Pháp làm Chủ tịch EU trong nửa đầu năm 2022. Việt Nam và Pháp tái khẳng định tôn trọng đầy đủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, loại trừ mọi hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở tất cả các vùng biển và đại dương, đặc biệt là ở Biển Đông, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Phạm Minh Chính
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Pháp và châu Âu; dự Diễn đàn doanh nghiệp Pháp-Việt; cùng lãnh đạo Pháp chứng kiến lễ ký kết, trao nhận gần 40 thỏa thuận hợp tác và thỏa thuận kinh tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều thỏa thuận, dự án có ý nghĩa và giá trị lớn như: Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Tham Chính viện Cộng hòa Pháp giai đoạn 2021-2026; Thỏa thuận hành chính giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục đại học, Nghiên cứu và Đổi mới của Cộng hòa Pháp về việc công nhận văn bằng và các quá trình đào tạo; Biên bản ghi nhớ giữa Hãng hàng không Vietjet Air và Tập đoàn Safran về thúc đẩy hợp tác chiến lược toàn diện trên cơ sở doanh số trị giá 10 tỷ USD; Biên bản ghi nhớ hợp tác trị giá 2 tỷ euro giữa Hãng hàng không Bamboo Airways và Tập đoàn Safran...
Một trong những ưu tiên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập nhiều trong các cuộc trao đổi là quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế, nhất là về phòng chống dịch bệnh, phát triển y tế dự phòng.
Để cụ thể hóa nội dung này, Thủ tướng đã có các hoạt động như tiếp Giám đốc chương trình COVAX Aurélia Nguyen; gặp gỡ các bác sỹ, chuyên gia y tế Pháp-Việt; thăm Viện Pasteur...
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và các nước châu Âu.
Thủ tướng đã có các hoạt động: tiếp Ban lãnh đạo Hội hữu nghị Pháp-Việt; gặp mặt các Đại sứ Việt Nam tại một số nước châu Âu; gặp mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, bà con cộng đồng người Việt Nam tại Pháp và châu Âu.
Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước, điều này được thể hiện qua Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45 và gần đây là Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước mong muốn bà con kiều bào tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, gắn bó với nước sở tại, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Theo TTXVN