Thủ tướng: Dịch COVID-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc

09/04/2022 15:31

Thủ tướng nhấn mạnh phải thần tốc tiêm vaccine mũi 3 cho các đối tượng cần tiêm, đẩy nhanh cung ứng, tổ chức chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành trong quý 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 9.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Dự họp tại các điểm cầu ở các địa phương có Trưởng Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Bí thư Tỉnh, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Dịch COVID-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 8,5 triệu người đã khỏi bệnh. Trong tuần qua, số mắc trong cộng đồng giảm 36,9%, số tử vong giảm 26,1%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 26,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 31,7%. So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này.

Ban Chỉ đạo nhận định, tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Từ cuối tháng 12.2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay. Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày.

Nguyên nhân một phần do tỷ lệ tiêm vaccine tại Việt Nam cao; lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vaccine của Việt Nam phù hợp, hiệu quả; năng lực y tế của Việt Nam dần được nâng lên và đáp ứng yêu cầu tốt hơn.

Về vaccine và tiêm chủng, đến đầu tháng 4, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 230 triệu liều vaccine phòng COVID-19; triển khai tiêm được hơn 207 triệu liều. Về cung ứng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, dự kiến hoàn thành trong quý 2.2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã dành tổng kinh phí 80.604 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 728.304 lượt người sử dụng lao động và trên 49,21 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Tuy vậy tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, trong thời gian tới đây, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch, nhất là trong các dịp nghỉ lễ kéo dài sắp tới.

Có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch

Phát biểu tại phiên họp, lãnh đạo các địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cho rằng mặc dù tình hình dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca chuyển nặng, tử vong giảm sâu song số ca mắc mới vẫn ở mức cao, trong khi năng lực hệ thống y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn; một số địa phương vẫn thiếu vaccine để tiêm tăng cường cho nhân dân; một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Lãnh đạo các địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành đã thảo luận, giải trình về quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và các vấn đề liên quan phù hợp với tình hình mới; dự báo tình hình để phòng chống dịch kịp thời, linh hoạt; thực hiện chiến lược tiêm vaccine trong thời gian tới, nhất là đối với việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh.

Chủ động ứng phó với dịch bệnh trong mọi tình huống

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định tuy có nhiều khó khăn, thử thách, song tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, với số ca chuyển nặng, tử vong giảm sâu, nhất là trong 1 tháng vừa qua.

Nhờ đó, cả nước có điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế-xã hội phục hồi nhanh và tăng trưởng khá. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Chính trị ổn định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường, đạt hiệu quả. Cả nước yên tâm mở cửa du lịch trở lại, đón phần lớn học sinh đến trường, phù hợp với tình hình.

Có được kết quả đó, do các Ban Chỉ đạo, các cấp, các ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống dịch. Ban Chỉ đạo các cấp có sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả. Độ bao phủ vaccine của Việt Nam đạt tỷ lệ cao, nhất là đối với các đối tượng trong diện ưu tiên, kiểm soát rủi ro; từng bước chủ động được nguồn cung thuốc chữa bệnh COVID-19. Người dân, doanh nghiệp vào cuộc ủng hộ, thực hiện phòng, chống dịch. Việt Nam đã đúc rút được kinh nghiệm, có phương pháp và tranh thủ sự ủng hộ, kinh nghiệm của thế giới trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng bên cạnh những thành quả vẫn còn những hạn chế như: tốc độ tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên còn chậm; cung ứng, tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt kế hoạch; lúng túng, bị động trong việc điều trị F0 tại nhà.

Một số hướng dẫn còn thiếu kịp thời, thiếu thống nhất. Nhân lực cho phòng, chống dịch còn thiếu hụt, nhất là khi số ca nhiễm cao. Chi trả thanh toán tài chính cho công tác phòng, chống dịch vẫn còn vướng mắc. Vẫn còn có nơi, có lúc, có người còn chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Một số Ban Chỉ đạo thiếu quyết liệt; chưa thực hiện thích ứng linh hoạt, hiệu quả. Hậu cần phục vụ cho tiêm chủng chưa đáp ứng yêu cầu.

Về nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp, các bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình dịch bệnh ở trong nước, khu vực và trên thế giới, kịp thời phát hiện các chủng virus mới xâm nhập, xuất hiện; bám sát các khuyến cáo của các cơ quan y tế, các nhà khoa học để nghiên cứu, có giải pháp phòng, chống phù hợp với điều kiện Việt Nam; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là đối với các đối tượng ưu tiên và kiểm soát rủi ro như người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em, công nhân trong khu công nghiệp, nơi tập trung đông người.

Thủ tướng chỉ đạo không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch COVID-19. Triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023 theo Nghị quyết 38 của Chính phủ với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống, kể cả tình huống có biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn.

Các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gắn với chuẩn bị các nguồn lực ứng phó với dịch bệnh, nhất là khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thủ tướng nhấn mạnh vaccine là vũ khí chiến lược để phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, phải đẩy mạnh, thần tốc hơn nữa tiêm mũi thứ 3 cho các đối tượng cần tiêm; hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi trong tháng 4.2022; đẩy nhanh cung ứng, tổ chức chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành trong quý 2.2022. Tinh thần là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà tường người" để tiêm vaccine. Tiếp tục nghiên cứu, tiêm mũi vaccine thứ 4 cho các đối tượng cần kiểm soát rủi ro.

Cùng với đó, các ngành, đơn vị, địa phương chủ động về thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vaccine mới, chuẩn bị cho tình huống có xuất hiện biến chủng mới của virus; không để bị bị động về thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vaccine phòng COVID-19 trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Phải phối hợp chặt chẽ, thống nhất, tập trung trong phòng, chống dịch

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, bám sát tình hình; đã tích cực rồi tích cực hơn nữa; đã nỗ lực rồi, nỗ lực hơn nữa; xác định trọng tâm, trọng điểm để ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định, quy chế hiện hành; bám sát tình hình thực tế để có các quy định, quy chế, quy trình, quy chuẩn phù hợp; bảo đảm thống nhất, tập trung, tránh mỗi nơi làm một kiểu; tăng cường phối hợp và đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về các kịch bản phòng, chống dịch COVID; sẵn sàng ứng phó trong tình huống dịch bệnh phát triển mạnh hoặc có chủng virus mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn; thống kê số liệu dịch tễ kịp thời, chính xác để nghiên cứu, phân tích, đánh giá và có giải pháp phù hợp; nhanh chóng hướng dẫn tiêm vaccine các mũi tiếp theo, nhất là đối với các đối tượng rủi ro cao, đối tượng ưu tiên và trẻ em; ban hành các hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 12 của Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và Nghị quyết 145 của Chính phủ về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19; rà soát, lược bỏ các rào cản, quy định chồng chéo trong phòng, chống dịch; ban hành các hướng dẫn về chuyên môn phòng, chống dịch phù hợp trong tình hình mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chính sách khuyến khích sản xuất vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm, kit xét nghiệm...

Bộ Tài chính bố trí kinh phí kịp thời, phối hợp các cơ quan giải quyết thanh quyết toán trong phòng, chống dịch; cân đối lại các nguồn, khẩn trương rà soát lại các hướng dẫn chi tiêu cho phòng, chống dịch.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương tăng tốc tiêm chủng vaccine cho học sinh; xây dựng kế hoạch, bố trí hậu cần, nguồn lực phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm mở cửa lại trường học an toàn, không để bị động, lúng túng; hướng dẫn chống bệnh sang chấn tâm lý ở trẻ em.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bảo đảm du lịch an toàn, thân thiện, hiệu quả; phối hợp Bộ Ngoại giao tháo gỡ bất cập về chính sách liên quan visa để du lịch phát triển; chuẩn bị các điều kiện tổ chức SEA Games an toàn, hiệu quả.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan thực hiện Nghị quyết 17 của Quốc hội về số giờ làm thêm của người lao động bảo đảm phục hồi nhanh và phát triển bền vững, bảo đảm sức khoẻ của người dân; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; khẩn trương tổ chức thực hiện tổng kết việc hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và điều chỉnh chính sách nếu cần; theo dõi chặt chẽ, kịp thời, có phương án hỗ trợ cung cầu lao động, không để đứt gẫy chuỗi cung ứng lao động trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh giao thương qua biên giới, không để ùn ứ hàng hóa xuất khẩu. Các tỉnh biên giới phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm phòng, chống dịch, bảo đảm lưu thông hàng hóa cả xuất và nhập khẩu; chủ trì bảo đảm đủ điện cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, không để thiếu điện ở các cơ sở chống dịch.

Cùng với thông tin trung thực, khách quan, kịp thời về công tác phòng, chống dịch, các cơ quan báo chí, truyền thông kết hợp các nền tảng công nghệ, đổi mới hình thức thông tin tuyên truyền, ưu tiên thời lượng thông tin khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện phòng, chống dịch, nhất là hướng dẫn điều trị tại nhà, hướng dẫn kết hợp Đông-Tây y trong phòng, chống dịch.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Ban Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong phòng, chống dịch; bảo đảm thượng tôn pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch.

Các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ để thực hiện các nhiệm vụ như Ban Chỉ đạo đã đề ra. UBND các cấp chỉ đạo việc triển khai phòng, chống dịch gắn với phục hồi nhanh và phát triển kinh tế-xã hội bền vững; thúc đẩy hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; coi trọng việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.

“Công tác phòng, chống dịch không có tiền lệ nên các bộ, ngành, địa phương phải linh hoạt và nhanh chóng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện tư duy và biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; những vấn đề diễn ra mà chưa kịp tổng kết hoặc diễn ra ngoài dự báo thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm, vừa mở rộng dần", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Thủ tướng: Dịch COVID-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc