Tại phiên họp, Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và tốt hơn tháng 4; tính chung 5 tháng năm 2024 đạt kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Sáng 1/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ để đánh giá về hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 và thời gian tới.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số ban, ủy ban, cơ quan của Trung ương Đảng và Quốc hội; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 5, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn; xung đột leo, giá USD, giá vàng tăng cao; giá dầu thô, hàng hóa cơ bản, dịch vụ vận tải biến động mạnh; chính sách tiền tệ ở nhiều nước chưa rõ xu hướng; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề, đặc biệt tình trạng nắng nóng, hạn hán vì hiện tượng El Nino; nguy cơ mất an ninh lương thực tiềm ẩn tại một số nước, khu vực; tuy đang phục hồi, song các nền kinh tế lớn, thị trường truyền thống của Việt Nam vẫn còn khó khăn. Ở trong nước: thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu hạn chế.
Theo Thủ tướng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 4, tính chung 5 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong đó, chủ động các phương án, đảm bảo cung cấp điện trong dịp nắng nóng; thúc đẩy các dự án hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, nhất là dự án đường dây tải điện 500 kv mạch 3 dự kiến hoàn thành cuối tháng 6.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng thể chế, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được đẩy mạnh; đời sống nhân dân được cải thiện; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên.
Thủ tướng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức, như: sức ép lạm phát, tỷ giá còn cao; thị trường bất động sản, tiếp cận tín dụng khó khăn; phản ứng chính sách ở một số nơi chưa kịp thời; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; tình hình ngộ độc thực phẩm, cháy nổ, tội phạm diễn biến phức tạp…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu thảo luận đánh giá tình hình, những mặt được, chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; công tác chỉ đạo, điều hành; hạn chế cần tập trung khắc phục; nêu những cách làm hay, sáng tạo, đột phá, hiệu quả. Đồng thời, đề xuất nhiệm vụ tháng 6 và thời gian tới; cơ chế, chính sách, giải pháp, nhất là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa… Đặc biệt, các thành viên Chính phủ làm rõ, đề xuất những giải pháp cụ thể để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, yếu kém mà các đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ 7.
Tại phiên họp, Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và tốt hơn tháng 4; tính chung 5 tháng năm 2024 đạt kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 4,03% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng ước đạt 52,8% dự toán năm, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 5 tăng 9,1% so với tháng trước, tính chung 5 tháng tăng 16,6% so với cùng kỳ; xuất siêu 8,01 tỷ USD. Tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5 tháng đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp ổn định, kim ngạch xuất khẩu cà phê, gạo, rau quả tăng cao so với cùng kỳ, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, trong tháng 5, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tính chung 5 tháng tăng 64,9% so với cùng kỳ. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Công tác an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả. Việc làm, sinh kế cho người dân tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy. Đời sống người dân tiếp tục được nâng lên. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc được tổ chức. Ngành giáo dục tích cực chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; chủ động phòng ngừa dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm thường gặp trong mùa nắng nóng.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia được thúc đẩy mạnh mẽ. Tập trung chỉ đạo, hoàn thiện các tài liệu, báo cáo, trình Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và phục vụ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn, quốc phòng, an ninh được củng cố; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Đến ngày 31/5, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2024 chi tiết trên 634,6 nghìn tỷ đồng, đạt 95,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước thanh toán trên 148,2 nghìn tỷ đồng, đạt 22,34% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, có 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư dưới mức trung bình của cả nước, 4 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân…
Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta đang phải đối diện những khó khăn, thách thức lớn. Áp lực lạm phát, tỷ giá có xu hướng tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn khó khăn; tỷ lệ nợ xấu ở mức cao; quản lý thị trường vàng còn bất cập. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm, tại một số địa phương trọng điểm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản có những tồn tại chậm được khắc phục…