Tối 12.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự chương trình giao lưu với điển hình toàn quốc năm 2020 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ấn nút "ATM thuốc" để "điều trị" những "căn bệnh bên trong" của cán bộ, đảng viên mà Bác Hồ từng cảnh báo như bệnh quan liêu, tham nhũng, công thần, hình thức, xa dân, ích kỷ, kiêu ngạo…
Ý tưởng đặc biệt này được đưa ra tại chương trình giao lưu với điển hình toàn quốc năm 2020 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tối 12.5, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự sự kiện còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn…
Thủ tướng mong mỗi người hãy cố gắng từng ngày, từng giờ làm những việc có lợi cho dân, cho nước - Ảnh: PHẠM TUẤN
Sau sự xuất hiện của tác giả "ATM gạo" Hoàng Tuấn Anh giao lưu tại sự kiện, sáng kiến "ATM thuốc" xuất hiện tạo sự bất ngờ lớn cho những người tham gia.
Theo giải thích của ban tổ chức, sinh thời, ngay từ những năm đầu lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng quan tâm đến công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, tác phong cán bộ. Một trong những khái niệm Người dùng đến đó là "những căn bệnh" để nói về những yếu kém, tồn tại và thậm chí là những vấn nạn trong cán bộ, đảng viên.
Những căn bệnh này vẫn dai dẳng tới ngày nay và vì vậy rất cần có một "ATM thuốc" để cứu chữa khẩn cấp những căn bệnh này.
Hoàng Tuấn Anh cho biết "ATM gạo" của anh sắp được trao tặng cho Campuchia thông qua Bộ Ngoại giao - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trong bài phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành sự quan tâm đặc biệt đến yêu cầu học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thiết thực tiếp nối và phát triển sự nghiệp cách mạng mà Người để lại cho chúng ta.
"Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị chúng ta, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ghi nhận 4 năm qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, bước đầu ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc này đồng thời tiếp sức, cổ vũ toàn thể nhân dân ta kiên định, hăng hái, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa mang đến cho các đại biểu dự chương trình câu chuyện xúc động về tập thơ ông đã chép tặng Bác Hồ khi mới là một học sinh lớp ba - Ảnh: PHẠM TUẤN
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương những tập thể, cá nhân chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực vươn lên, vượt qua thử thách và cống hiến hết mình ngày đêm để góp phần không nhỏ vào những thành tựu chung của đất nước; trong đó có những thầy thuốc kiên cường trên mặt trận phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.
Thủ tướng cũng hoan nghênh và đánh giá cao Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa này.
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự hiệu quả, Thủ tướng mong mỗi người "hãy cố gắng từng ngày, từng giờ làm những việc có lợi cho dân, cho nước, coi đó là trách nhiệm và danh dự của bản thân".
Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mượn lời thơ của Tố Hữu: "Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn" để khích lệ toàn Đảng, toàn dân thêm vững vàng, tự tin trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Một tiết mục văn nghệ ca ngợi Bác Hồ tại sự kiện - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tại sự kiện, các điển hình tiên tiến qua nhiều thời kỳ đã giao lưu những câu chuyện về Bác và tình cảm dành cho Bác như chủ nhân "ATM gạo" Hoàng Tuấn Anh, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, "Cháu ngoan Bác Hồ" Hoa Xuân Tứ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, đại diện bộ đội biên phòng…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã mang đến cho các đại biểu dự chương trình câu chuyện xúc động về tập thơ ông đã chép tặng Bác Hồ khi mới là một học sinh lớp ba, được Bác giữ gìn trân trọng và hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Theo Tuổi trẻ