Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương ghi nhận có 5 ổ dịch COVID-19 lớn gồm: Chí Linh, Cẩm Giàng, Nam Sách, Kinh Môn và TP Hải Dương.
Đoàn công tác đã kiểm tra các khu cách ly tập trung tại Trường THCS Nguyễn Huệ
Tại Hải Dương, dịch bệnh COVID-19 đã lan ra 12/12 huyện, thành phố, thị xã, với tổng số 576 ca bệnh mắc COVID-19. Đã có 75 xã phường thị trấn có ca mắc bệnh.
Toàn tỉnh Hải Dương có 5 ổ dịch lớn gồm: Chí Linh, Cẩm Giàng, Nam Sách, Kinh Môn, TP Hải Dương.
Trước tình hình trên, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn dầu đã kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Dương và làm việc với tỉnh Hải Dương ngày 18.2.
Sau khi trực tiếp đi thị sát tại một loạt các địa điểm phòng chống dịch tại tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có những chia sẻ với báo chí về tình hình dịch cũng như công tác hỗ trợ của Bộ Y tế với địa phương.
- Thưa Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, sau khi đi một loạt gần 10 điểm cách ly, điều trị và các khu công nghiệp, ông có đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch tại Hải Dương?
- Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đến tỉnh Hải Dương có hai nhiệm vụ cũng như hai mục đích, đó là kiểm tra lại công tác phòng, chống dịch Hải Dương bắt đầu từ đầu mùa dịch đến nay cùng kết quả đạt được cho đến bây giờ.
Tiếp đó là các hoạt động theo yêu cầu hỗ trợ của tỉnh Hải Dương đối với Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành về báo cáo gửi Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 quốc gia.
Qua công tác kiểm tra, chúng tôi đánh giá rất cao những hoạt động của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, của Ban Phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, thành phố, các huyện, thị xã của tỉnh Hải Dương.
- Thứ trưởng có thể phân tích rõ thêm dựa trên những tiêu chí nào để Bộ Y tế có những đánh giá như vậy về công tác phòng chống dịch của tỉnh Hải Dương?
- Lãnh đạo Bộ Y tế đã đánh giá trên 3 mức độ. Mức độ thứ nhất là tính chủ động, quyết liệt, nhanh chóng và hiệu quả trong công tác triển khai phát hiện, khoanh vùng cách ly và thu dung điều trị.
Mức độ thứ hai, đó là hệ thống chính trị của tỉnh Hải Dương cũng đã được huy động một cách toàn lực, tối đa, phải nói rất hiệu quả dựa trên sự cống hiến của đội ngũ cán bộ, viên chức; của các em học sinh, sinh viên các trường đại học cũng như là của cộng đồng dân cư và của các đội COVID-19 tại tỉnh Hải Dương.
Thứ ba chúng tôi đánh giá rất cao việc thực hiện nghiêm và nhanh chóng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 cũng như là các hướng dẫn, đề xuất của Bộ Y tế để giúp cho Hải Dương có thể thu hẹp được thời gian phòng, chống dịch COVID-19 đạt được kết quả như ngày hôm nay.
- Thưa Thứ trưởng, với kinh nghiệm chỉ đạo dịch COVID-19 ở nhiều địa phương, theo ông trong thời gian tới, Hải Dương cần phải triển khai quyết liệt các biện pháp gì?
- Thông qua đợt kiểm tra, chúng tôi đã có ý kiến tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Hải Dương. Điểm đầu tiên đó là Hải Dương phải tăng cường thêm công tác giám sát dịch tễ, truy vết, phát hiện.
Nguyên nhân là do dịch COVID-19 ở Hải Dương đã xảy ra trong thời gian tương đối dài. Dịch COVID-19 không chỉ xảy ra trong các nhà máy công nghiệp mà còn xảy ra tại cộng đồng, kể cả một số trường hợp hiện giờ mới phát hiện ra những F0. Đây là những vấn đề mà chúng ta cần phải làm càng nhanh càng tốt.
Điểm thứ hai là năng lực xét nghiệm của Hải Dương cũng phải được tăng cường, không chỉ về mặt số lượng, không chỉ về mặt lấy mẫu, trả kết quả trong ngày để đảm bảo tính chạy đua với thời gian lây lan COVID-19.
Điểm thứ ba, chúng tôi yêu cầu đối với các khu cách ly phải hết sức tuân thủ. Bởi đây là khoảng thời gian mà các khu phong tỏa, các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến y tế đều phải căng mình lên liên tục, bền bỉ để thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo việc thưc hiện Chỉ thị 16 và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các đội giám sát COVID-19 tại các cộng đồng để chúng ta luôn luôn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng giúp cho hệ thống y tế có thể phát hiện được sớm nhất đối với những trường hợp trong cộng đồng.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra tại khu cách ly và Bệnh viện dã chiến số 3 tại Trường Đại học Sao Đỏ cơ sở 2 ở TP Chí Linh
Điểm cuối cùng là việc sẵn sàng của các đơn vị sản xuất cũng như các bệnh viện trong công tác phòng chống dịch. Đây cũng là một cơ hội để các cơ sở nâng cấp lên một bước đảm bảo các tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Những điều này là tiền đề để Hải Dương khi dập được dịch quay trở lại sản xuất, thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đã giao đó là vừa phát triển sản xuất, vừa đảm bảo công tác phòng, chống COVID-19.
- Một khó khăn trong công tác phòng chống dịch của Hải Dương đó là khi dịch bệnh diễn ra quá nhanh và phức tạp trên diện rộng trong khi cơ sở vật chất và trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực điều trị còn thiếu kinh nghiệm. Bộ Y tế sẽ có những hỗ trợ như thế nào?
- Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ đoàn chuyên gia, kéo dài thời gian thêm, thay người để sẵn sàng hỗ trợ về nhân lực cho Hải Dương trong giám sát dịch tễ, điều trị. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ hỗ trợ xây dựng những hướng dẫn về đảm bảo tiêu chí an toàn cho các bệnh viện cũng như trong các cơ sở sản xuất; hướng dẫn, xử lý các tình huống xảy ra khi có COVID-19 tại các cơ sở sản xuất để đảm bảo cho Hải Dương khi đưa vào hoạt động trở lại sau dịch.
Về các yêu cầu của Hải Dương trong việc hỗ trợ xét nghiệm, trang thiết bị thì chúng tôi sẽ cân đối nhưng mục tiêu là sẽ đảm bảo những vật tư y tế liên quan đến bảo vệ an toàn cho những người hoạt động trong công tác phòng, chống COVID-19, kể cả lực lượng quân đội, công an, các lực lượng dân quân cũng như đội ngũ y tế.
Bộ Y tế sẽ hỗ trợ trang phục, khẩu trang đảm bảo an toàn đồng thời cung cấp một cách nhanh nhất cho tỉnh Hải Dương. Những trang thiết bị nào mà Bộ Y tế hiện giờ còn chưa có thể hỗ trợ được, chúng tôi sẽ áp dụng chế độ điều chuyển từ các đơn vị y tế khác đến hỗ trợ Hải Dương trong thời gian sớm nhất có thể.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Vietnam+