Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, theo quy định mới nhất, giám đốc bệnh viện nhà nước phải là bác sĩ.
Thông tin trên được Thứ trưởng Y tế nêu tại họp báo công bố Lệnh của quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân về Luật khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 (9.1), sáng nay.
Theo ông Thuấn, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trong quá trình kiện toàn bộ máy lãnh đạo phải chú ý trong số các phó giám đốc, phải có một người có bằng về kinh tế để quản lý vấn đề kinh tế, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư...
Về Hội đồng Y khoa quốc gia, ông Trần Văn Thuấn thông tin, do Bộ trưởng Bộ Y tế bận nhiều nhiệm vụ và theo thống nhất của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, đồng ý của Thủ tướng, đã tạm thời giao cho ông - trước đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng - điều hành cơ quan này.
Liên quan đến giá khám bệnh, chữa bệnh, ông Thuấn nói, kết cấu của giá gồm 4 yếu tố là chi phí trực tiếp (như thuốc, sinh phẩm...); tiền lương, tiền công; chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị.
Năm 2022, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu; đồng thời hoàn thiện danh mục kỹ thuật để hoàn thiện tính định mức kỹ thuật, làm cơ sở cho tính đúng, tính đủ. Bộ Y tế đang hoàn thiện thông tư giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Bộ sẽ phân cấp, phân quyền tối đa cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời Bộ dự kiến đưa ra phương thức tính toán, giao quyền cho các cơ sở để tự quyết định. Việc này xuất phát từ yêu cầu thực tế của người dân, người bệnh và từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ... Từ đó, cố gắng từng bước giữ người bệnh đáng lẽ ra nước ngoài điều trị thì ở lại trong nước.
"Dự kiến trong quý 1 - quý 2.2023 sẽ ban hành thông tư về giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu khi được Chính phủ đồng ý trên cơ sở công khai, minh bạch, cạnh tranh. Yu tố thứ 3 tức là chi phí quản lý sẽ đưa vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh", ông Thuấn nói.
Theo VTC