Anh Lê Văn Thưởng (sinh năm 1988, ở xã Cẩm Đông, Cẩm Giàng) quyết tâm khởi nghiệp, làm giàu từ loại cây này trên đất Gia Lộc.
Nhờ làm ăn bài bản mà anh Lê Văn Thưởng thu về tiền tỷ từ cây lúa mỗi năm
Hồi sinh đồng trũng
Trong cái nắng gắt của ngày hè, anh Thưởng vẫn nở nụ cười rạng rỡ, giòn tan mặc những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má. Ít ai ngờ chàng nông dân trẻ đang kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ cây lúa.
Anh Thưởng bảo do gia đình có nghề làm đất dịch vụ nên cả tuổi thơ anh rong ruổi trên những cánh đồng. Từng tấc đất, bông lúa đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh. Chính vì thế khi bạn bè cùng trang lứa đều mong muốn ly nông để có công việc ổn định thì anh Thưởng vẫn lựa chọn nghề "cha truyền, con nối".
Để sống được với nghề nông, anh Thưởng phải lăn lộn nay đây mai đó. Cũng nhờ đó, anh có cơ duyên được sử dụng 70 mẫu ruộng bị bỏ hoang ở thị trấn Gia Lộc để thỏa sức thể hiện đam mê với cây lúa. Anh Thưởng kể mỗi lần đi qua thị trấn Gia Lộc, nhìn thấy khu đồng bỏ hoang là anh lại bồn chồn không yên. Sau nhiều lần dò hỏi, anh được biết đây là cánh đồng Bãi Mía vừa chua, trũng lại gần đường sá, khu dân cư, chuột hại nhiều nên người dân đã bỏ từ lâu. “Cuối năm 2015, khi tôi ngỏ ý muốn thuê ruộng thì chính quyền và người dân địa phương đều nhất trí cho mượn không lấy phí. Từng đó thôi đã đủ thấy làm nông nghiệp bạc bẽo đến mức nào, song dường như đam mê với đồng ruộng đã ngấm vào máu nên tôi nhận lời không một chút do dự”, anh Thưởng nói.
Bỗng nhiên có 70 mẫu ruộng trong tay một cách dễ dàng khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà chỉ là quyết định nhất thời vì tiếc ruộng bỏ hoang khiến anh Thưởng thực sự lo lắng. Phải làm gì với một cánh đồng mênh mông, toàn cỏ lau, cỏ lác mọc cao quá đầu người là câu hỏi làm anh trăn trở nhiều đêm. Nếu cải tạo thành vườn cây, ao cá thì không khả thi bởi mô hình này đòi hỏi phải có thời gian dài trong khi người dân cho mượn ruộng có thể đòi lại bất cứ lúc nào. Trồng rau màu cũng không phù hợp vì đất chua trũng. Sau khi tính toán, anh Thưởng nhận thấy chỉ có cấy lúa là hợp lý nhất. Nhưng cũng chính vì cây lúa mà người dân bỏ ruộng, vì vậy anh phải tìm hướng đi khác thì mới hy vọng thành công.
Cả cánh đồng rộng lớn, không thể dùng sức người để sản xuất. Trong khi đó, máy móc nông nghiệp anh đã được làm quen từ bé nhưng cũng chỉ là máy cày lật đất đơn giản. Vì thế, đầu năm 2016, anh quyết định cùng anh trai khăn gói vào tận Kiên Giang để học hỏi kinh nghiệm gieo cấy lúa của nông dân nơi đây. 17 ngày trải nghiệm tại vựa lúa lớn nhất cả nước đã cho anh Thưởng nhiều kiến thức quý báu. Tại đây, anh được tận mắt thấy các loại máy móc có thể thay thế con người thực hiện các khâu vất vả, nặng nhọc nhất trong quá trình sản xuất nhưng vẫn còn xa lạ với nông dân Hải Dương như máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo vãi. Do không có điều kiện vận chuyển nên anh Thưởng nghiên cứu tỉ mỉ cấu tạo các loại máy và chỉ mua mang về những bộ phận máy quan trọng.
Khi trở về, vợ chồng anh Thưởng cùng gia đình người anh trai bắt tay vào cải tạo khu đồng hoang. Phải mất một vụ lúa, đồng đất khu vực này mới có thể đáp ứng được các điều kiện gieo cấy. Anh đầu tư thêm 2 máy gặt, 1 máy làm đất và cải tiến máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo vãi phù hợp với điều kiện đồng đất để phục vụ cho sản xuất. Lựa chọn giống lúa nào gieo cấy cũng là một vấn đề lớn. “Ban đầu tôi định chọn giống chất lượng cao để bán cho được giá song những giống này chỉ thích hợp với chân ruộng cao, đất đai màu mỡ. Vì vậy, sau khi cân nhắc, tôi quyết định cấy giống Q5. Đây là giống lúa phổ thông, khỏe cây lại cho năng suất cao. Gạo Q5 cũng được sử dụng nhiều trong chế biến, làm ra các sản phẩm như bún, phở, bánh đa. Do đó, dù giá bán không cao song tiêu thụ rất thuận lợi”, anh Thưởng quả quyết.
Khu đồng Bãi Mía bị người dân bỏ hoang nhiều năm được anh Thưởng cải tạo để cấy lúa
Hơn 2 năm vật lộn với cánh đồng hoang, những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh Thưởng đã được đền đáp xứng đáng. Khu đồng sình lầy, chua trũng đầy gạch vỡ, đá sỏi và cỏ dại ngày nào giờ đây đã là cả một gia tài lớn với những vạt lúa vàng óng trải dài. Đồng trũng đã được hồi sinh bởi những giọt mồ hôi, thậm chí có cả máu và nước mắt của người thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết.
Ước mơ đại điền
Nghe anh thao thao bất tuyệt nói về quy trình, kỹ thuật chăm sóc mới thấy hết tâm huyết và độ am hiểu của anh về cây lúa đến mức nào. Từng khóm lúa đều được anh nâng niu, trân trọng. Khoảng cách từ nhà tới khu đồng khá xa nhưng hễ rảnh rỗi anh lại chạy xe xuống thăm đồng. Quá trình cây lúa sinh trưởng, phát triển được anh ghi chép cẩn thận. Chính vì vậy, anh sớm phát hiện ra dấu hiệu nhiễm bệnh của cây để xử lý kịp thời. “Cây lúa đã quá quen thuộc với nông dân và cũng chính vì thế mà người dân thường chủ quan, bỏ qua các kỹ thuật canh tác tưởng chừng như không cần thiết nhưng lại rất quan trọng. Phòng sâu bệnh, diệt chuột hại phải đủ liều lượng, đúng thời điểm. Vì thế, vụ trước nhiều nơi lúa mất mùa vì bệnh vàng lá di động và lùn sọc đen còn cánh đồng lúa của nhà tôi lại miễn dịch với loại bệnh hại nguy hiểm này”, anh Thưởng hứng khởi khoe.
- Vì sao anh lại chọn cây lúa để làm giàu trong khi nhiều người đã từ bỏ vì hiệu quả kinh tế thấp? - không giấu nổi tò mò tôi hỏi.
- Chỉ cần làm phép tính đơn giản này sẽ thấy được cây lúa cho giá trị thấp hay cao. Nông dân thường chỉ cấy vài sào ruộng. Vì manh mún nên mọi người chỉ làm thủ công. Do đó lợi nhuận thu về chỉ bù nổi công sức bỏ ra, thậm chí còn phải bù lỗ nếu như thuê người làm hoặc lúa bị sâu bệnh cho năng suất thấp. Ở đây, mọi công đoạn sản xuất đều có máy móc hỗ trợ nên chỉ có 4 người trong gia đình làm. Giá thóc Q5 thường ổn định từ 5.000-6.000 đồng/kg, năng suất khoảng 2 tạ/sào thì mỗi năm với 2 vụ lúa tôi sẽ thu tiền tỷ từ 70mẫu ruộng. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ làm dịch vụ bên ngoài để tăng thêm thu nhập - anh Thưởng trả lời không một chút đắn đo.
Đã có được thành công sau những tháng ngày vất vả thế nhưng anh Thưởng vẫn canh cánh trong lòng một nỗi lo vì cơ ngơi anh gây dựng có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào. Thông qua chính quyền, anh được cho mượn đất, nhưng người dân chỉ đồng ý cho mượn 3 năm mà đến nay thời hạn đã sắp hết. Anh trải lòng: “Đến nay, tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì chứng minh được quyết định làm giàu từ cây lúa của mình là đúng đắn. Được người dân Gia Lộc cho mượn đất tôi rất phấn khởi bởi tiết kiệm được khoản tiền thuê đất. Số tiền đó tôi dành để hoàn thiện hạ tầng để sản xuất được tốt hơn. Nhưng cũng chính vì không có ràng buộc rõ ràng nên tôi luôn thấp thỏm, bất an. Một phần tiếc công sức đã bỏ ra mà chỉ duy trì được trong thời gian ngắn ngủi. Phần vì nghĩ tới lúc nếu tôi trả ruộng liệu người dân có canh tác lâu dài hay được vài vụ lại bỏ hoang. Rồi đồng ruộng lại bị xé lẻ, tất cả trở về như cũ. Đất đai bị lãng phí còn nghề nông lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc. Đến lúc đó không chỉ công sức, tiền bạc mất đi mà ngọn lửa tâm huyết với nghề nông cũng bị dập tắt”.
Mong mỏi lớn nhất của anh Thưởng là được tạo điều kiện cho mượn hoặc thuê đất lâu dài để có thể yên tâm sản xuất. Chỉ khi tích tụ ruộng đất, đại điền không còn là giấc mơ mà trở thành sự thật thì những nông dân như anh Thưởng mới có cơ hội thỏa sức sản xuất, sáng tạo. Từ đó góp vào bức tranh nông nghiệp những gam màu tươi mới hơn.
Hướng ánh mắt chất chứa lo âu nhưng vẫn ánh lên những tia hy vọng về phía cánh đồng lúa trĩu bông đang đợi thu hoạch, anh Thưởng quả quyết: “Tôi chỉ cần ruộng lớn còn những thứ khác dù khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua. Rồi một ngày không xa, khi đồng ruộng được nối dài, ít bị chia cắt bởi bờ vùng, bờ thửa thì người dân chính là chủ thể định đoạt giá trị sản xuất chứ không còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố như hiện nay”.
DŨNG CƯỜNG