Thu tiền thuê đất: Ngân sách "khỏe", doanh nghiệp khó

31/12/2016 05:02

Giá thuê đất tăng góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh nhưng các doanh nghiệp gặp khó khi chi phí tăng...



Tiền thuê đất tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Những năm gần đây, tiền thuê đất đóng góp tỷ trọng khá cao vào tổng thu ngân sách. Theo Cục Thuế tỉnh, thu tiền thuê đất năm 2016 của Hải Dương đạt khoảng 210 tỷ đồng, tăng 110% so với kế hoạch (tăng thu 110 tỷ đồng). Thu tiền thuê đất là một trong những khoản thu duy trì tốc độ tăng cao liên tục từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, tiền thuê đất tăng hằng năm cũng khiến nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó.

Theo ông Đoàn Bá Đàm, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông lâm sản TMĐ Gia Lộc (Gia Lộc), giá thuê đất những năm vừa qua có xu hướng tăng hằng năm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Công ty thành lập năm 2008 trên cơ sở hộ cá thể, thời hạn thuê đất 25 năm. Thời điểm năm 2006, khi vẫn còn hoạt động dưới danh nghĩa hộ cá thể, tổng số tiền thuê đất phải nộp hằng năm là 18,9 triệu đồng. Đến năm 2008, khi thành lập doanh nghiệp, số tiền thuê đất tăng lên 50 triệu đồng/năm. Từ năm 2012, tiền thuê đất lên tới 190 triệu đồng/năm.

"Khi thành lập doanh nghiệp, thời hạn thuê đất từ 49 năm rút xuống còn 25 năm. Qua vài lần điều chỉnh, tiền thuê đất tăng gấp 10 lần. Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản nhưng chúng tôi không được hưởng bất cứ ưu đãi nào. Cơ quan thuế vẫn tính tiền thuê đất theo giá đất thương mại trong khi chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất. Đây là nguyên nhân khiến tiền thuê đất doanh nghiệp phải nộp hằng năm rất lớn, không phù hợp thực tế", ông Đàm cho biết.



Các cơ  quan chức năng cần tham khảo ý kiến của chủ doanh nghiệp để xây dựng
 bảng giá, hệ số giá thuê đất phù hợp  Ảnh: Bình Minh


Không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiền thuê đất tăng cao, nhiều hộ cá thể thuê đất của Nhà nước cũng giật mình vì tiền thuê đất tăng chóng mặt. Ông Trần Đình T. (TP Hải Dương) thuê 924,7 m2 đất của UBND TP Hải Dương từ năm 2007. Theo hợp đồng ký với UBND TP Hải Dương, số tiền thuê đất hằng năm ông T. phải nộp gần 8,2 triệu đồng. Tuy nhiên, đến tháng 6-2014, UBND TP Hải Dương điều chỉnh đơn giá thuê đất của hộ ông T. lên 52,7 triệu đồng/năm. Đơn giá trên áp dụng từ ngày 1-4-2011 đến hết 1-4-2016. Như vậy, tiền thuê đất của hộ ông T. tăng gấp 6,5 lần. Ông T. cho rằng việc áp giá thuê đất mới cho mảnh đất của ông là không hợp lý vì vị trí lô đất của gia đình nằm trên đường gom quốc lộ 5 chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật như trải thảm nhựa lòng đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh, rãnh thoát nước... Việc đi lại gặp nhiều khó khăn, hiệu quả khai thác, sử dụng thấp nên việc áp dụng đơn giá mới chưa thực sự phù hợp.

Lý giải về việc tiền thuê đất tăng cao trong những năm qua, đại diện Phòng Giá đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng giá thuê đất tăng cao do sự điều chỉnh đơn giá theo quyết định của UBND tỉnh. Cứ hết một chu kỳ, cơ quan thuế lại căn cứ vào bảng giá đất, hệ số điều chỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua để áp giá mới. Giá thuê đất tăng hay giảm phụ thuộc vào vị trí, diện tích, loại đất doanh nghiệp, cá nhân thuê của Nhà nước. Theo quy định cũ, đất cho thuê chia làm 6 vị trí, mỗi vị trí sâu 20 m tính từ hành lang giao thông làm căn cứ tính giá. Tuy nhiên, từ tháng 1-2015, UBND tỉnh quy định mỗi mảnh đất chỉ còn được chia thành 4 vị trí, mỗi vị trí sâu 30 m. Ngoài ra, giá thuê đất của những mảnh đất có vị trí thuận lợi tại đô thị, nằm ven quốc lộ, tỉnh lộ, đầu mối giao thông, khu thương mại, du lịch, công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề ngoài đô thị... phải nhân với hệ số giá thuê đất được UBND tỉnh quy định theo từng năm. Đây là những nguyên nhân lớn nhất khiến giá thuê đất tăng cao so với chu kỳ trước.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị việc áp dụng bảng giá, hệ số giá thuê đất cần sát thực tế. Quá trình xây dựng bảng giá, hệ số giá thuê đất cần tham khảo ý kiến đại diện doanh nghiệp để việc áp dụng trong thực tế bảo đảm tính hiệu quả, khả thi. Vị trí, loại đất tính giá cho thuê cũng cần phải xác định lại, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Mặc dù việc tăng giá thuê đất hằng năm thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh và đã được HĐND tỉnh thông qua nhưng tăng cao, tăng liên tục trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng bảng giá đất, áp giá thuê đất cho từng thửa đất hợp lý, vừa bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu tiền thuê đất: Ngân sách "khỏe", doanh nghiệp khó