Sen không chỉ mang lại vẻ đẹp, dùng làm thuốc mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình bà Nguyễn Thị Chăm mỗi năm thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ trồng sen
Ở xã Kiến Quốc (Ninh Giang), việc trồng sen xen canh cây lúa kết hợp nuôi cá trên ruộng đang được mở rộng và cho hiệu quả gấp nhiều lần so với cấy lúa thông thường.
Khoảng 5 năm gần đây, nhiều người dân ở xã Kiến Quốc đã chuyển từ trồng lúa sang kết hợp trồng sen, cấy lúa và thả cá. Đến nay toàn xã có khoảng 20 hộ trồng sen với diện tích gần 100 mẫu, tập trung nhiều nhất ở các thôn Ngọc Chi, An Cúc và Lũng Quý.
Là một trong những người đầu tiên áp dụng mô hình này, ông Phạm Thế Trung ở đội 1, thôn Ngọc Chi cho biết: “Khi mới nhận khoán đất vùng trũng, tôi sang Hưng Yên mua giống và học hỏi kinh nghiệm trồng sen. Không ngờ sau khi xuống giống, cây phát triển tốt, ra hoa đều, sản lượng bát sen cao nên tôi tiếp tục mở rộng diện tích”. Hiện nay, gia đình ông Trung đã có hơn 5 mẫu sen. Trước đây, ông nuôi cá bị dịch bệnh nhiều, có khi thua lỗ. Nay ông nhận thấy sen dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ mất chi phí đầu tư cho lần xuống giống đầu tiên, còn nhiều năm sau chỉ chăm sóc và thu hoạch. Vì vậy, ông Trung quyết định trồng sen kết hợp nuôi cá. Không ham thả nhiều cá, gia đình ông chọn 3 loài phù hợp với cây sen là cá chép, rô phi và cá chim trắng nước ngọt. Trung bình mỗi năm, ngoài trồng sen, gia đình ông còn thu lãi thêm khoảng 50 triệu đồng từ nuôi cá.
Theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân, thời điểm sen mọc lứa mới là đầu tháng 2, cho thu hoạch rộ vào tháng 6, 7, 8. Trước khi trồng sen, người dân làm cỏ, vệ sinh đầm, khi sen đã phát triển đều thì dùng phân kali để bón. Sau 3 tháng phát triển, sen bắt đầu ra hoa và cho thu hoạch bát sen từ tháng 6 đến hết tháng 8. Bà Nguyễn Thị Chăm ở đội 2, thôn An Cúc khẳng định trồng sen cho thu nhập cao gấp 7 - 8 lần trồng lúa. Bà Chăm cho biết: “Chúng tôi mới đấu thầu cánh đồng này được 5 năm nhưng đã có 4 năm trồng sen bởi lợi nhuận gấp nhiều lần so với cấy lúa. Tính ra một mẫu lúa thu hoạch cao nhất từ 8 - 10 tấn thóc/năm, trừ chi phí tôi thu được khoảng 15 triệu đồng. Trong khi trồng sen tôi lãi khoảng 100 triệu đồng/năm”.
Ðược biết, mùa thu hoạch bát sen kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8. Trước đó, người dân cấy lúa chiêm xuân trên ruộng, thu hoạch lúa xong thì thu hoạch sen. Khi sen tàn thì cắt cành, làm vệ sinh ao rồi thả cá đến cuối năm thu hoạch. Như vậy, trên cùng một diện tích, người dân có thể tận dụng để cấy lúa, trồng sen và thả cá. Các hộ trồng sen ở đây không lo đầu ra sản phẩm vì có thương lái tìm tới tận nơi thu mua. Bà Chăm cho biết thêm, đến mùa thu hoạch, mỗi ngày nhà bà hái được từ 50 - 70 kg bát sen. Thời điểm này, giá hạt sen tươi đang ở mức từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, có thời điểm đầu vụ giá hạt sen lên tới 50.000- 60.000 đồng/kg. Hạt sen được tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và một số tỉnh miền Trung.
Theo ông Phạm Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiến Quốc, đa số các hộ trồng sen đều sử dụng ao nuôi cá cũ hoặc ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả rồi cải tạo trồng sen trên diện tích đất chuyển đổi. Tuy có giá trị kinh tế cao song trồng sen vất vả hơn trồng lúa, cứ một, hai ngày người dân phải hái bát sen, tách vỏ để bán cho thương lái. Trong thời gian thu hoạch phải thường xuyên đuổi chuột vì hạt sen có vị ngọt, hay bị chuột cắn.
Với đặc thù là một trong những địa phương có nhiều diện tích đất nông nghiệp trũng nhất huyện Ninh Giang, nhiều hộ nông dân ở xã Kiến Quốc đã và đang cải tạo đất ruộng để cấy lúa, trồng sen kết hợp thả cá. Dù trồng sen cho thu nhập khá song họ vẫn rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành để định hướng, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, đồng thời khai thác thêm các dịch vụ từ sen như du lịch sinh thái, chụp ảnh... tránh tình trạng “được mùa mất giá”.
PHẠM LƯƠNG THIỆN