Thu nhập cao nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

16/06/2010 05:43

Mấy năm gần đây, cây vải ở Thanh Hà được nông dân thay thế bằng những cây trồng như: chuối, quất, ổi, gừng, thanh long, đu đủ... Đến năm 2009, toàn huyện có 1.605 ha cây ăn quả cho thu nhập cao, 450 ha vải được chuyển đổi.


Vườn ổi của gia đình ông Đặng Văn Thơi ở thôn Văn Mạc (xã Liên Mạc) cho thu lãi 70 triệu đồng mỗi năm

Mặc dù đã gần đến trưa nhưng chợ quất ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) vẫn tấp nập người mua bán. Một thương lái ở Hải Phòng cho biết, ngày nào anh cũng đến Cẩm Chế mua quất về "đổ" cho những người bán lẻ. Trung bình mỗi ngày vài tạ, có ngày lên đến hàng tấn quất. Ngoài anh, còn nhiều thương lái ở nơi khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình... cùng về đây mua quất.

Xã Cẩm Chế (Thanh Hà) hiện có 436,5 ha đất nông nghiệp, trong đó có 286 ha trồng cây ăn quả. Trước đây, vải thiều là cây chủ lực được nông dân Cẩm Chế trồng đại trà. Dưới cây vải mới trồng, nông dân kết hợp trồng thêm những loại cây khác như gừng, dưa cải, phổ biến là cây quất. Sau một thời gian, hiệu quả cây vải giảm, nhiều gia đình tập trung chăm sóc quất. Tuy mới trồng rải rác nhưng cây quất cho thu nhập cao hơn những loại cây khác, kể cả cây vải. Đến năm 1994, được sự chỉ đạo của UBND xã, nông dân Cẩm Chế trồng quất đại trà. Đến nay, quất đã trở thành cây trồng chủ lực, cho thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã. Ông Tiêu Văn Dư ở thôn Nhân Lư có 6 sào, trước đây trồng vải nhưng không hiệu quả, năm 2007 ông chuyển sang trồng quất. Do cây quất phù hợp với đồng đất Nhân Lư nên cho hiệu quả rất cao. Năm nay, vườn quất của ông thu hoạch được 6 tấn, thu nhập trên 70 triệu đồng. Ông cho biết, so với những loại cây trồng khác, cây quất dễ trồng, không tốn công chăm sóc. Ngoài thu hoạch 1 vụ chính, quất còn cho thu hoạch rải rác quanh năm, trung bình mỗi tháng ông thu được 1,5 triệu đồng từ bán quất.

Ông Tiêu Hà Truy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Chế cho biết, quất là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiêu biểu của xã. Cây quất trồng chỉ 1 năm là được thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 15 năm, mỗi cây quất chỉ mất từ 1 đến 2m2 đất. Đây là loại cây trồng không lo bị mất mùa. Nông dân Cẩm Chế đã chủ động điều chỉnh cho cây quất ra quả theo ý muốn. Quất thu hoạch vào tháng 3, không phải chính vụ nên cho thu nhập rất cao. Người dân Cẩm Chế còn biết cho cây quất "trẻ hóa", không phải trồng mới mà vẫn có vườn quất xanh tốt. Với những cây quất lâu năm thì cắt hết phần thân, chỉ để phần gốc và tập trung chăm sóc, chỉ một thời gian ngắn là quất lại cho thu hoạch.

 Xã Liên Mạc cũng có mô hình chuyển đổi cây trồng cho giá trị thu nhập cao gấp nhiều lần cấy lúa. Ông Bùi Đức Chác, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, từ năm 1993, cây ổi được đưa vào trồng thay thế cây vải. Đến nay, toàn xã có 370 ha trồng ổi, chỉ còn 70 ha cấy lúa. 100% số gia đình ở Liên Mạc có vườn ổi. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, những năm qua, nông dân Liên Mạc đã tìm tòi, thử nghiệm bằng nhiều biện pháp để có ổi thu hoạch quanh năm, nhiều gia đình áp dụng kỹ thuật ổi ra quả trái vụ, từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau (theo âm lịch) hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với ổi chính vụ. Một số gia đình còn gây giống ổi, cũng có thu nhập cao không kém gì trồng ổi lấy quả. Từ cây ổi, đời sống của nhân dân Liên Mạc thay đổi đáng kể, tỷ lệ hộ giàu tăng lên 90%; hệ thống đường làng ngõ xóm được bê-tông hóa, các công trình phúc lợi đều được xây dựng kiên cố… Tiêu biểu trong phong trào làm giàu ở Liên Mạc là các anh Nguyễn Duy Chương ở thôn Mạc Thủ 2, Đào Xuân Đán, Đặng Văn Thơi ở thôn Văn Mạc, Nguyễn Đức Biệp ở thôn Tiêu Xá... Nhiều người dân trong xã đã sang các xã bên cạnh để thuê đất trồng ổi.

Thanh Hà là huyện thuần nông, người dân đang tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng. Diện tích lúa lai được mở rộng, vụ xuân năm 2006 chỉ chiếm 3,8% tổng diện tích lúa, đến năm 2010 đã tăng lên 33%. Cơ cấu trà lúa, giống lúa cũng có thay đổi: vụ xuân bỏ trà trung, giảm diện tích trà sớm; vụ mùa giảm diện tích trà muộn. Nhiều loại rau màu có giá trị kinh tế cao được đưa vào trồng và đã hình thành các vùng chuyên canh, như cây cà rốt ở các xã Phượng Hoàng, Tiền Tiến; cây khoai tây ở các xã Thanh Hải, Thanh An, Tân An... Cây vải được nông dân thay thế bằng những cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn như: chuối, quất, ổi, gừng, thanh long, đu đủ... tập trung ở các xã Cẩm Chế, Thanh Xuân, Thanh Thủy, Thanh Xá... Đến năm 2009, toàn huyện có 1.605 ha cây ăn quả cho thu nhập cao, 450 ha vải được chuyển đổi.

NGỌC THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thu nhập cao nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng