Điều kiện tự nhiên thuận lợi đã giúp cho bãi soi ở xã Thanh Xuân (Thanh Hà) trở thành nơi cư ngụ lý tưởng của loài cáy. Cũng từ đó, nghề săn cáy xuất hiện ở địa phương.
Buổi sáng, anh Xưởng đặt khoảng 700 rọ cáy dọc theo các con mương trong vườn
Lãi 40 triệu đồng/thángSau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được anh Lê Văn Xưởng ở thôn Xuân Áng. Theo lời của người giới thiệu thì anh Xưởng là "thợ săn cáy nhà nghề" của cả vùng này. Đúng 8 giờ sáng, như đã hẹn trước tôi có mặt ở bãi soi, nơi có nhiều cáy sinh sống để được "mục sở thị" buổi câu cáy này. Bãi soi rộng gần 100 mẫu với ngút ngàn vải và chuối, đây cũng là "thiên đường" của loài cáy. Không cần giới thiệu nhiều, anh Xưởng dẫn tôi ra mương nước ngoài vườn, nơi anh đang đặt dở rọ cáy. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều cáy đến vậy, cáy bò khắp nơi trên mặt đất.
Đồ nghề để câu cáy được chuẩn bị rất đơn giản, chỉ gồm vài cái rọ được cắt từ chai cũ, cám gạo rang thơm và một đôi tất để bảo vệ chân khi ở dưới nước. Theo anh Xưởng, dù việc đặt rọ cáy khá dễ dàng nhưng cũng cần phải biết quan sát vị trí đặt rọ để bắt được nhiều cáy. Anh lội xuống một mương nước cạn trong vườn và tiếp tục công việc đặt rọ cáy còn dở dang của mình. Anh bỏ một ít cám rang bằng đầu ngón tay vào trong rọ sau đó ghim rọ vào lưng chừng bờ, cách mép nước khoảng 5 cm. Vị trí đặt rọ phải kín đáo và râm mát, tốt nhất nên đặt trong những lùm cỏ hoặc bụi rậm. Anh giải thích: "Vì cáy là loại rất nhát nên phải đặt ở vị trí kín đáo, nếu đặt rọ ở vị trí nắng, khi cáy bò vào trong rọ mà chưa kịp thu thì cáy sẽ chết, lúc ấy khó mà bán được".
Quan sát khu vực đặt rọ cáy, tôi mới nhận thấy rằng nơi đây chỉ trồng chuối và không chỉ là "thiên đường" của cáy mà còn là "thiên đường" của cỏ, cỏ cao tận lưng người. Chưa kịp thắc mắc, anh Xưởng đã cho biết, nơi ở lý tưởng của cáy phải sạch sẽ, thoáng mát và đặc biệt không có thuốc sâu, những bụi cỏ um tùm là nơi trú ẩn của cáy. Do đó, 30 mẫu đất của gia đình anh thì có tới gần một nửa để trồng chuối vì cây chuối không cần phải phun thuốc sâu nhiều như vải, cũng không cần vất vả dọn cỏ vườn. Anh chỉ tay sang bên kia sông và cho biết: "Bên kia là đất của huyện Kim Thành, cũng có rất nhiều bãi soi, nhưng đất chua, ít phù sa nên có ít cáy. Ở bên này nhiều phù sa hơn, các mương dẫn nước đào thẳng ra sông Chiềng, vừa lấy nước tưới, vừa là nơi để loài cáy cư ngụ".
Sau 5 giờ đồng hồ, cuối cùng anh đã đặt hết 700 rọ cáy ở khắp các mương nước trong vườn, tổng chiều dài lên tới gần 2 km. Công việc tiếp theo của chúng tôi là chờ thêm 2 tiếng để cáy vào rọ ăn mồi. Trong lúc chờ đợi, tôi được anh kể thêm về nghề câu cáy. Theo anh, loài cáy đã sinh sôi, nảy nở ở bãi soi này từ rất lâu, nhưng trước đây cáy không có giá trị kinh tế nên người dân không ai quan tâm. Chỉ khoảng 10 năm nay, nghề bắt cáy mới xuất hiện do cáy có giá trị cao trên thị trường. Cả xã này, có gần 30 người chuyên làm nghề bắt cáy như anh Xưởng. Mùa cáy bắt đầu khi thời tiết ấm, khoảng từ tháng 2 đến hết tháng 9 âm lịch. Mùa đông cáy chui vào hang để ẩn nấp. Hiện đang là giữa mùa cáy nên mỗi ngày anh bắt được từ 15-20 kg. Vào thời điểm đầu mùa cáy to và ngon hơn, mỗi
“Với giá bán 100.000 đồng/kg, mỗi ngày anh thu được khoảng 2-3 triệu đồng, trung bình mỗi tháng anh Xưởng thu lãi được 40 triệu đồng từ tiền bán cáy”.
|
ngày anh bắt được trên 30 kg. Với giá bán 100.000 đồng/kg, mỗi ngày thu khoảng 2-3 triệu đồng, trung bình mỗi tháng anh Xưởng thu lãi được 40 triệu đồng.
Sau khi tiết lộ mức thu nhập “khủng” cũng đến lúc đi thu rọ cáy. Anh Xưởng thận trọng lội xuống mương nước và kiểm tra từng rọ cáy. Bõ công chờ đợi, hầu như tất cả các rọ đều có cáy bên trong, có rọ bắt được hơn 1 lạng cáy. Sau khi thu xong, anh lại ghim rọ cáy vào vị trí cũ, đợi khoảng 2 giờ đồng hồ sau sẽ tiếp tục đi thu cáy lần 2.
Cần mẫn khai thác cáy tự nhiên
Ngoài việc đặt rọ cáy, còn có hình thức câu cáy, đơn giản nhưng mất thời gian và thu được ít cáy hơn so với việc đặt rọ. Tôi xin anh dạy tôi cách câu cáy. Bộ đồ nghề câu cáy của anh chỉ gồm 1 cái giỏ để đựng cáy, 1 cần câu tre dài trông gần giống với cần câu cá và cuối cùng là mồi câu, có thể là ốc hoặc thịt. Tôi chọn 1 vị trí thuận lợi có nhiều cáy đang bò để thả mồi câu. Công việc câu cáy của tôi có vẻ không dễ như anh nói, vì không có con cáy nào đoái hoài tới miếng mồi câu tôi đã thả xuống. Sau 5 phút chờ đợi, tôi mới câu được 1 con cáy nhỏ, với tốc độ này để được 1 kg cáy chắc tôi phải câu mất cả ngày. Câu cáy dưới tiết trời nắng nóng quả thực là công việc không hề dễ dàng đối với tôi. Có lẽ nó chỉ dành cho những người có tính kiên trì và có sức khỏe dẻo dai như anh Xưởng.
Công việc bắt cáy của anh Xưởng thường bắt đầu từ 5 giờ sáng, những hôm thời tiết nắng nóng thường làm sớm hơn. Với 700 cái rọ cáy, anh phải mất 5 giờ đồng hồ liên tục lội dưới nước mới có thể đặt hết. Một ngày làm việc anh thường phải ngâm mình dưới nước từ 8-10 giờ đồng hồ. Đến 10 giờ trưa là lúc anh đi thu cáy lần 1, lúc này nhiệt độ ngoài trời ở mức 35 độ, nếu không phải là người có sức khỏe tốt thì khó có thể chịu đựng được thời tiết này. Gần 12 giờ trưa, sau khi công việc buổi sáng đã xong, anh mới được nghỉ để ăn trưa. Vì chỉ có một mình nên bữa trưa của anh rất đơn giản và gọn nhẹ. Anh chỉ có khoảng hơn 1 giờ đồng hồ để nghỉ trưa. Tới 1 giờ chiều, anh Xưởng lại tiếp tục đặt rọ cáy, số lượng rọ đặt chỉ bằng một nửa so với buổi sáng.
Ngoài nỗi vất vả phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, anh còn phải đối mặt với một mối nguy hiểm khác là gặp phải rắn độc. Anh nhớ lại: “Không dưới 3 lần đi đặt rọ cáy anh gặp phải rắn hổ mang, cũng may là chưa giẫm phải nó. Loại rắn này thường săn chuột vào ban đêm và sáng sớm. Thế nên sáng sớm khi đi đặt rọ phải soi đèn hết sức thận trọng, khi đi qua những bụi cỏ phải dùng gậy đánh động để tránh gặp phải rắn”.
Sau một ngày làm việc vất vả, thành quả mà anh Xưởng thu được gần 20 kg cáy. Theo tính toán nhanh của anh, với số lượng này anh đã thu được 2 triệu đồng. Cáy sau khi mang về nhà được anh rửa qua nước sạch và đổ ra túi lưới để nơi thoáng mát, tránh để cáy bị chết. Đến cuối giờ chiều, thương lái tới tận nhà thu mua. Cáy được mang đi bán tại khắp các chợ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hưng Yên... Đây là nguyên liệu chính làm món mắm cáy thơm ngon nổi tiếng.
Để có nguồn cáy dồi dào, những hộ dân sinh sống ở bãi soi đã đào mương, quây vùng cho cáy có môi trường tốt sinh sống và phát triển. Trong năm đầu tiên khi mới quây vùng, những người dân không khai thác cáy, thậm chí còn mua thêm cáy thả xuống khu vực này để cáy sinh sôi, nảy nở. Với cách làm này, người dân nơi đây có thể khai thác hiệu quả và lâu dài nghề cáy.
TRẦN HIỀN