Thử lửa để tìm vàng

05/05/2016 05:45

Đưa đề tài nông thôn mới vào loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo là một "cửa ải" khó khăn ít người muốn đụng.


Song vượt qua được thử thách đó, sân khấu chèo có thêm những tác phẩm hay, mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống.



Vở chèo “Bến đợi nhịp cầu” kết hợp nhuần nhuyễn giữa đề tài xây dựng nông thôn mới
với loại hình sân khấu chèo truyền thống. Ảnh: V.H


Dung hòa mới - cũ


Chèo là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn bó với các sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn từ nhiều đời nay. Xây dựng nông thôn mới (NTM) là đề tài nóng hổi, chất liệu cho đề tài này ngồn ngộn trong đời sống, có thể dễ dàng khai thác ở bất cứ vùng quê nào. Sự kết hợp giữa đề tài mới và loại hình nghệ thuật truyền thống này có thể tạo ra những tác phẩm có sức lan tỏa để phục vụ tuyên truyền. Song đó thực sự không phải lối đi dễ dàng cho những nhà biên kịch. Trong Liên hoan Sân khấu hài kịch không chuyên toàn quốc năm 2016 vừa diễn ra tại Thừa Thiên Huế với chủ đề xây dựng con người văn hóa Việt Nam, xây dựng NTM, trong 20 đoàn dự thi chỉ có 3 đơn vị (trong đó có Hải Dương) lựa chọn loại hình sân khấu truyền thống để chuyển tải đề tài này. Tác giả Xuân Ba, người rất tâm huyết với đề tài NTM, đã viết nhiều vở kịch được dựng và phát sóng nhưng cũng chỉ có một tác phẩm chèo về đề tài này, còn lại đa phần là kịch nói.

Sở dĩ chưa nhiều nhà biên kịch lựa chọn sáng tác tác phẩm sân khấu truyền thống về NTM vì để kết hợp, dung hòa giữa hai yếu tố cũ và mới trong tác phẩm một cách nhuần nhuyễn là một thử thách khó khăn. Để làm được điều này, trong quá trình sáng tác vở chèo “Bến đợi nhịp cầu”, tác giả Xuân Ba đã “ba cùng” nhiều ngày tháng với bà con nông dân ở các xã đang xây dựng NTM trong tỉnh. Không chỉ tìm hiểu về công cuộc xây dựng kinh tế, ông còn lắng nghe tâm tư, tình cảm của người dân để tìm ra chất trữ tình vốn cần thiết với sân khấu chèo truyền thống. Để “mềm hóa” một đề tài thời sự như NTM, ông xây dựng nên một mâu thuẫn mang tính tình cảm giữa người cha già góa vợ mong muốn đi bước nữa với các con không muốn cha thay đổi cuộc sống. Tác giả Xuân Ba cho biết, gắn bó với nông thôn, ông nhận thấy đây là mâu thuẫn khá phổ biến ở nhiều làng quê hiện nay. Sử dụng chất liệu này, ông đã tạo được tính trữ tình cần thiết cho vở chèo, dễ chạm vào cảm xúc người xem. Công cuộc xây dựng NTM đã hóa giải được cả mâu thuẫn tình cảm này lẫn mâu thuẫn trong tâm lý người dân không muốn phá bỏ cái cũ để hòa vào sự nghiệp chung. Đó là cách giải quyết khéo léo, hợp lý mà tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Xuân Ba đã dày công suy ngẫm.

Sáng tác chèo về các đề tài đương đại đã khó thành công, sáng tác hài chèo về NTM lại càng không phải dễ dàng. “Xưa kia tính chất trào lộng của chèo chủ yếu dùng để đả kích xã hội phong kiến. Trong khi xây dựng NTM là đề tài tuyên truyền mang tính tích cực nên chọn câu chuyện có tính trào lộng là rất khó khăn, phải tạo được "đất" để nhân vật có trò diễn thì mới bật ra được tiếng cười. Mà tiếng cười trong một vở chèo phải thâm thúy, gợi nhiều suy ngẫm chứ không thể chỉ đơn giản là tiếng cười sinh lý”, tác giả Công Bằng cho biết. Trong vở chèo “Hoa khôi làng”, tác giả Công Bằng xây dựng bối cảnh là một cuộc thi hoa khôi với các thí sinh tham gia là "hoa kinh tế", "hoa môi trường", "hoa chữ Tâm", đại diện cho 3 lĩnh vực kinh tế, môi trường, giáo dục trong xây dựng NTM. Bối cảnh này tạo được "đất" cho những trò diễn hài hước mà kết thúc lại truyền tải được thông điệp đầy ý nghĩa: "Hoa chữ Tâm" lên ngôi hoa hậu, nâng cao trình độ dân trí vừa là mục đích vừa là giải pháp thúc đẩy xây dựng NTM bền vững.

Vàng từ lửa đỏ

Chưa bao giờ chính thức diễn chèo, ngay trong lần đầu tham gia một liên hoan lớn là Liên hoan Sân khấu hài kịch không chuyên năm 2016, chị Đoàn Thị Trinh (Trung tâm Văn hóa tỉnh) đã giành một huy chương vàng cá nhân cho vai diễn "hoa kinh tế" trong vở chèo “Hoa khôi làng”. Để thể hiện được nhân vật này một cách ấn tượng, chị Trinh đã phải dày công suy nghĩ và luyện tập. Chị cho biết: “Tiếng cười trong một vở chèo dài phải là tiếng cười dí dỏm mà bắt người ta suy nghĩ chứ không phải chỉ cười cho vui, cười rồi quên. Vì thế, tôi phải nghĩ cách khai thác đặc điểm nhân vật vừa hài hước, lẳng lơ lại vừa mạnh mẽ. Có những lời thoại diễn viên được phép thêm thắt vào đôi chút để gây tiếng cười nên diễn viên phải linh hoạt và sáng tạo”.

Để những vở chèo về đề tài NTM thành công trên sân khấu, ngoài công sức của nhà biên kịch, đạo diễn còn phải kể đến tài năng và sự khổ luyện của các diễn viên. Hát các làn điệu chèo cổ với nội dung lời mới để vừa toát lên được tinh thần thời đại vừa dễ đi vào lòng người đòi hỏi các diễn viên phải thực sự hóa thân vào nhân vật để tiếng hát ấy cất lên từ chính sự đồng cảm trong tâm hồn mình. Các diễn viên không chuyên chỉ có 7 ngày để tập luyện vở chèo “Hoa khôi làng”. Trong 7 ngày đó, họ ăn ngủ cùng nhân vật, say mê luyện tập để rồi kết quả đạt được là tấm huy chương vàng toàn đoàn giành được trong Liên hoan Sân khấu hài kịch không chuyên toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức. Các diễn viên tham gia vở chèo “Bến đợi nhịp cầu” thì trau chuốt từng làn điệu, suy nghĩ và điều chỉnh từ những phục trang nhỏ nhất cho phù hợp với bối cảnh, tính cách nhân vật của mình. Trong những lần công diễn trong và ngoài tỉnh, vở chèo luôn được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Qua những tác phẩm sân khấu chèo công phu ấy, đề tài xây dựng NTM không chỉ tác động đến nhận thức mà cả tâm hồn, tình cảm của người xem. Trong công cuộc xây dựng đất nước, cần nhiều hơn nữa những tác phẩm nghệ thuật tươi rói màu thời đại mà vẫn đậm chất truyền thống như thế. Điều này đòi hỏi cái tâm, cái tài và cả ý thức trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thử lửa để tìm vàng