Chi phí mua phương tiện, lương công nhân, xăng xe, san lấp, khử trùng đều tăng trong khi phí vệ sinh thấp, khiến các tổ thu gom gặp nhiều khó khăn...
Thôn Bùi Xá, xã Nhân Quyền (Bình Giang) có đội tự quản bảo vệ môi trường, mô hình điểm
của Ủy ban MTTQ tỉnh. Ảnh: Ngọc Hùng
HTX Vệ sinh môi trường thị trấn Thanh Miện được thành lập tháng 1-2011. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, HTX gặp không ít khó khăn. Ông Đặng Văn Chánh, Chủ nhiệm HTX cho biết: Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là không có kinh phí hoạt động. Thị trấn có 9.737 nhân khẩu, trong đó 2.372 nhân khẩu vắng có lý do, đáng lẽ mỗi tháng chúng tôi sẽ thu phí của 7.365 người và các cơ quan đóng trên địa bàn nhưng chẳng bao giờ chúng tôi thu được đủ. Năm 2011, có đến 3.469 người, 122 hộ kinh doanh cạnh đường, 3 cơ quan không nộp phí. Như vậy, mỗi tháng HTX chỉ thu được hơn 8,5 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi tháng HTX chi phí nhiều khoản như: trả lương cho 19 công nhân chuyên thu gom rác hết 20,4 triệu đồng; 2 tháng 1 lần tiến hành san lấp bãi rác giá 6 triệu đồng, 1 tháng 2 lần phun thuốc khử trùng giá 500 nghìn đồng/lần; HTX còn thuê một người chuyên cào bãi rác với mức lương 1 triệu đồng/tháng; tiền dầu cho xe vận chuyển rác… Tổng chi phí một tháng của HTX hết khoảng 26 triệu đồng… Năm 2011, HTX được UBND huyện bù lỗ cho hoạt động hơn 100 triệu đồng. 3 tháng đầu năm nay, HTX đã lỗ trên 60 triệu đồng. Do vậy, HTX luôn trong tình trạng không có kinh phí đầu tư máy móc, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân; có những dụng cụ thu gom rác sử dụng từ lâu nay đã hỏng nhưng không có kinh phí mua mới. Cũng do nguồn thu bấp bênh như vậy, lại không được chi trả đúng ngày nên một số xã viên trong tổ thu gom rác thải đã nghỉ một thời gian, sau đó được UBND thị trấn vận động mới đi làm lại.
Được thành lập từ năm 2008, Tổ vệ sinh môi trường thị trấn Tứ Kỳ hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Tiệp, Chủ nhiệm Tổ vệ sinh cho biết: Tổ hiện gặp 2 khó khăn lớn là nguồn nhân công và kinh phí hoạt động. Theo hợp đồng giữa Tổ vệ sinh với người dân thì mỗi tháng, mỗi hộ buôn bán cạnh đường 391 phải nộp 10 nghìn đồng; hộ kinh doanh ăn uống nộp 15 nghìn đồng; còn những hộ khác nộp 6.000 đồng/hộ. Thị trấn có 1.950 hộ. Tuy nhiên, chỉ có 60% số hộ đóng phí. Trung bình mỗi tháng tổ phải chi trên 20 triệu đồng trả lương cho công nhân, dầu cho 2 xe ô-tô, tiền san lấp bãi rác, phun hóa chất. Thu gom rác thải là công việc nặng nhọc nên ít người muốn làm. Nhiều người làm được một thời gian rồi bỏ, tổ lại phải tìm người khác. Do thường xuyên tiếp xúc với chất thải, trong khi đó công nhân đều là những người lớn tuổi nên tình trạng ốm đau hay xảy ra. Nguồn kinh phí hạn hẹp nên tổ không thể thuê người khác dọn lúc công nhân nghỉ ốm được, cũng như không thể điều động công nhân của khu vực khác đến khu vực của công nhân nghỉ ốm để dọn dẹp bởi mỗi công nhân đã phải làm việc trung bình từ 7-8 giờ mỗi ngày. Hiện nay, do tình trạng đóng phí thiếu nên HTX rất thiếu nguồn chi phí, đã hơn 1 năm nay ban quản lý tổ không có lương.
Xã Đồng Gia (Kim Thành) có 5 tổ thu gom rác thải ở 5 thôn, thành lập từ năm 2009.
Đến nay, các tổ vẫn hoạt động đều đặn. Ảnh: Minh Nguyên
Những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều ao, hồ, sông ngòi ở nông thôn bị lấp, nhiều nhà cao tầng, công trình công cộng mọc lên làm cho các bãi đất trống bị thu hẹp, chỗ đổ rác không còn. Rác thải được người dân vứt tràn lan làm môi trường nông thôn bị ô nhiễm… Nhiều địa phương hay cá nhân trong tỉnh đã đứng ra thành lập các tổ hoặc HTX để thu gom rác thải. Đây là một việc làm tích cực nhằm cải thiện môi trường nông thôn. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị này đều hình thành một cách tự phát dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Ngoài nguyên nhân chủ quan như các dịch vụ của đơn vị thực hiện còn ít, chỉ chủ yếu là thu gom rác thải nên nguồn thu thấp, không có biện pháp thu triệt để thì còn có nguyên nhân khách quan là do quy định của tỉnh. Hầu hết các HTX và tổ dịch vụ đều thực hiện theo Nghị quyết số 131/ 2009/ NQ- HĐND ngày 9-12-2009 của HĐND tỉnh quy định bổ sung mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh thì đối với thị xã Chí Linh, Kinh Môn được thu 10 nghìn đồng/gia đình hoặc 2.500 đồng/người/tháng, đối với những địa phương còn lại chỉ được thu 7.000 đồng/gia đình/ tháng và 2.000 đồng/người/tháng. Ông Đặng Văn Chánh, Chủ nhiệm HTX Vệ sinh môi trường thị trấn Thanh Miện cho biết: Từ năm 2009, với mức thu như vậy HTX vẫn hoạt động được là do số buổi thu gom rác thải ít, chỉ có 3 buổi/tuần; còn hiện nay do lượng rác thải sinh hoạt nhiều lên nên HTX đã thu gom tất cả các ngày trong tuần, trung bình mỗi ngày 3-4 tấn rác, dẫn đến các chi phí cho lương công nhân, xăng xe, san lấp, khử trùng đều tăng lên. Ông Nguyễn Thanh Tiệp, Chủ nhiệm Tổ vệ sinh môi trường thị trấn Tứ Kỳ cho biết: “Tổ vệ sinh môi trường của chúng tôi đã thực hiện việc ký kết hợp đồng với người dân, do vậy dù bị lỗ chúng tôi vẫn phải làm”.
Khó khăn trên đây cũng là khó khăn chung của các HTX, tổ vệ sinh môi trường ở tỉnh ta hiện nay. Để các đơn vị này hoạt động tốt, các cấp, các ngành cần tháo gỡ những khó khăn về kinh phí hoạt động, nguồn nhân công, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc đóng góp, nếu không những bãi rác tự phát sẽ hình thành nhiều thêm, môi trường nông thôn sẽ ngày càng ô nhiễm.
THANH HÀ