Vào Sư phạm một phần vì kinh tế khó khăn nhưng Nhật Quang tốt nghiệp thủ khoa và giành ba học bổng tiến sĩ toàn phần ở Mỹ.
Với điểm trung bình học tập 3,92/4, Nguyễn Nhật Quang, 22 tuổi, là thủ khoa tốt nghiệp ngành Sư phạm Vật lý của trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 2023.
Từ cuối năm thứ ba đại học, Quang đã được Đại học bang Florida, Mỹ, cấp học bổng tiến sĩ toàn phần trị giá 7 tỷ đồng trong 5 năm, gồm học phí và sinh hoạt phí. Sinh hoạt phí sẽ đến đến từ việc trợ giảng hoặc trợ lý nghiên cứu tại khoa Vật lý của trường. Ngoài ra, nam sinh được chấp nhận vào chương trình tiến sĩ của Đại học Connecticut và Đại học Utah, cũng với học bổng và hỗ trợ tài chính toàn phần.
"Đam mê nghiên cứu về Vật lý năng lượng cao (còn gọi là Vật lý hạt cơ bản), mình chọn Đại học bang Florida vì trường rất mạnh về lĩnh vực này, có các phòng nghiên cứu, thí nghiệm trọng điểm của Mỹ", Quang cho hay. Trường nằm trong top 20 đại học công lập hàng đầu của Mỹ theo xếp hạng của U.S News & World Report.
Năm 2020, cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh, đứng trước nhiều lựa chọn vào thẳng đại học với giải ba quốc gia môn Vật lý. Khác với bạn bè chọn Bách khoa hoặc Công nghệ thông tin, Quang chọn Sư phạm vì yêu thích Vật lý và công việc giảng dạy, cũng giúp gia đình giảm gánh nặng học phí.
Quang cho hay gia đình không khá giả nên không nghĩ đến du học hay học cao hơn mà xác định sẽ trở thành giáo viên dạy Vật lý ở phổ thông. Bước ngoặt đến với Quang khi được tham gia nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Vật lý tính toán của trường do GS Lê Văn Hoàng hướng dẫn.
Từ công việc của thầy và các đàn anh đi trước, Quang nhận ra tốt nghiệp sư phạm Vật lý không chỉ đi dạy phổ thông mà còn có thể nghiên cứu sâu, giảng dạy ở bậc cao hơn. Được thầy chỉ ra các hướng nghiên cứu và tham gia giao lưu khoa học ở nước ngoài, dần dần nam sinh thích thú với việc nghiên cứu và giảng dạy ở bậc đại học. Với lời động viên "cứ đi rồi sẽ đến" của thầy, Quang can đảm vạch ra mục tiêu làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Mỹ vào đầu năm thứ ba (tháng 8.2022).
Trong vòng bốn tháng, nam sinh gấp rút thi chứng chỉ GRE (chứng chỉ điều kiện cho bậc sau đại học ở Mỹ) chuyên ngành Vật lý và chứng chỉ tiếng Anh. Thời điểm đó, các khóa thi IELTS tại Việt Nam bị tạm ngưng, em phải chuyển sang thi lấy chứng chỉ Duolingo. Ngoài ra, nam sinh xin thư giới thiệu từ GS Lê Văn Hoàng và hai giảng viên khác ở khoa Vật lý, viết thư tự giới thiệu cùng bảng điểm, danh sách các khóa học Vật lý và Toán từng tham gia để cho vào hồ sơ.
Quang cho biết chi phí nộp hồ sơ trung bình ở mỗi trường là 100 USD (2,5 triệu đồng) nên ưu tiên chọn những trường mạnh về nghiên cứu Vật lý. Nam sinh cũng chủ động liên hệ để xin miễn, giảm phí hồ sơ.
GS Lê Văn Hoàng, giảng viên cao cấp khoa Vật lý, nhận xét Quang là sinh viên đặc biệt xuất sắc mà ông từng hướng dẫn. Theo kinh nghiệm của ông, khi cấp học bổng tiến sĩ, các đại học ở Mỹ chú trọng thành tích học tập và thiên hướng nghiên cứu khoa học của ứng viên thông qua thư giới thiệu của người hướng dẫn.
Trong thư giới thiệu Quang, GS Hoàng nhấn mạnh nam sinh xuất sắc nhất trong khóa gần 100 sinh viên của khoa, thuộc nhóm cao nhất trường. Quang đã đến phòng lab học tập và tham gia nghiên cứu Vật lý từ năm thứ hai, có nghiên cứu về Vật lý hệ thấp chiều đăng trên tạp chí khoa học của trường vào năm thứ ba.
Khi hướng dẫn nghiên cứu khoa học và khóa luận tốt nghiệp, ông giao cho Quang đề tài tính toán lý thuyết phổ năng lượng exciton trong tấm đơn lớp TMDC với sự có mặt của từ trường. Đề tài này đòi hỏi kiến thức, kỹ năng cao hơn ở bậc đại học nhưng Quang giải quyết tốt.
Giáo sư ấn tượng khi học trò tiếp tục giải quyết bài toán mà đề tài nghiên cứu đặt ra dù đã hoàn thành khóa luận, nhận được học bổng tiến sĩ ở Mỹ. Đây chính là tinh thần theo đuổi đến cùng của người làm khoa học. Kết quả thu được từ đề tài nghiên cứu này của Quang sẽ được công bố trên tạp chí Khoa học quốc tế (SCIE) trong thời gian tới.
"Bên cạnh yếu tố năng lực, với thái độ làm việc nghiêm túc, có chí hướng và đam mê, tôi tin Quang sẽ thành công trên con đường khoa học", GS Hoàng nói.
Trong thư tự giới thiệu, Quang chia sẻ quan điểm nghiên cứu khoa học là hành trình học hỏi, khám phá không ngừng nghỉ, không tự mãn với những gì mình đã biết mà hướng đến khám phá giới hạn mới.
"Có những thời điểm mình gặp khó khăn và không hiểu hết mọi thứ ngay lập tức, nhưng mình xem đó bước tiến và yếu tố cần thiết trên hành trình nghiên cứu", Quang nói.
Bên cạnh điểm số, Quang nhìn nhận việc từng tham gia trường hè Vật lý, chương trình trao đổi sinh viên về khoa học, văn hóa ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là điểm cộng cho thấy mục tiêu theo đuổi nghiên cứu khoa học của bản thân.
Nam sinh còn là nhân tố sôi nổi trong các phong trào Đoàn Hội của trường và chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện. Ngay từ năm nhất, em bắt đầu làm gia sư, trợ giảng môn Vật lý cho chương trình Gặp gỡ Toán học-Vật lý-Ngữ văn hàng năm. Quang coi đây là vừa là việc làm thêm, vừa là cơ hội thực hành nghề nghiệp bởi được vận dụng kiến thức, kỹ năng sư phạm.
Để cân bằng thời gian, Quang lập kế hoạch hàng tuần, xác định công việc ưu tiên trong mỗi thời điểm. Việc gia sư được xếp vào buổi tối. Thời điểm thi, kiểm tra, Quang sẽ tập trung hoàn toàn cho việc học. Cuối tuần hoặc mùa hè, nam sinh dành cho các hoạt động đoàn thể, giao lưu khoa học.
Một cách để Quang sử dụng hiệu quả quỹ thời gian trong ngày là tận dụng những khoảng thời gian trống rải rác để học nhanh hoặc làm những công việc nhỏ. Giờ chuyển tiếp giữa các buổi học hay lúc di chuyển được tận dụng để nghe lại bài giảng.
Quang dự định trở về sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ ở Mỹ. Nam sinh mong làm tại một trường đại học hoặc viên nghiên cứu để vừa nghiên cứu tạo ra kiến thức mới, vừa dạy học để truyền cảm hứng cho thế hệ sau.
"Mình tin rằng các nghiên cứu sẽ có giá trị khi nó được giảng dạy và truyền thụ để tiếp tục ứng dụng và phát triển. Do đó, truyền lửa đam mê Vật lý cho thế hệ trẻ cũng không kém phần quan trọng bên cạnh việc nghiên cứu", Quang chia sẻ.
Theo VnExpress