Để thu hút được người giỏi cần chủ động tìm kiếm, mời gọi và có các chính sách linh hoạt đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng thuộc diện thu hút để tạo "đất" giữ chân và phát huy được khả năng của họ.
"Nhà sáng chế" Phạm Văn Hát ở Tứ Kỳ từng từ bỏ lời mời làm việc với mức lương 7.000 USD/tháng để gắn bó với các sản phẩm, nông cụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn
Đánh giá đúng
Đó là đề xuất của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quế khi phân tích về giải pháp thu hút, sử dụng người giỏi. Từng là Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Quế cho biết vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài là mối quan tâm nhiều năm của tỉnh với nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, Hải Dương chưa đạt được mục tiêu. Để "định danh" rõ thế nào là người giỏi, đồng chí cho rằng chúng ta chỉ có 2 công cụ để đánh giá chính là bằng cấp và qua thực tế. Nhưng "khoảng trống" bất cập chính là có người chỉ giỏi trên bằng cấp nhưng lại không giỏi trong thực tế, có người giỏi về tay nghề, kỹ thuật, chuyên môn... nhưng lại không có bằng cấp hoặc bằng cấp không đạt loại giỏi. Vì vậy, cần chủ động tìm kiếm, đánh giá đúng người giỏi để mời gọi, thu hút họ.
Dẫn chứng cụ thể với trường hợp anh Phạm Văn Hát - "nhà sáng chế" ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ), người đã nghiên cứu, sáng chế thành công gần 40 sản phẩm, nông cụ hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quế cho rằng anh là người giỏi dù không qua trường lớp đào tạo, chỉ có trình độ văn hóa lớp 7/10. Những người như anh Hát, những người thợ lành nghề, nghệ nhân, người có chuyên môn cao, kỹ thuật sâu... cũng có thể chính là đối tượng giỏi cần thu hút. Vì vậy, nên dành sự quan tâm thỏa đáng, linh hoạt trong cách trọng dụng, sử dụng vì họ chính là nguồn nhân tài nội tại của tỉnh. Ví dụ, tỉnh có thể nghiên cứu cơ chế đặt hàng, mời gọi họ cạnh tranh, tham gia vào việc nghiên cứu, phát minh, sáng chế các đề tài, ứng dụng khoa học mà tỉnh hoặc các ngành cần...
Từng từ chối lời mời làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài với mức lương 7.000 USD/tháng nhưng anh Phạm Văn Hát luôn sẵn lòng nhận lời hợp tác với các sở, ngành của tỉnh để sản xuất, sáng chế nông cụ, hỗ trợ về giá các sản phẩm sáng chế phục vụ cho nông dân. "Tôi đã nhiều lần đề xuất với các cấp, các ngành về việc cần dành sự ưu tiên cho những người sáng chế gắn bó với nông nghiệp, nông thôn để chúng tôi có động lực, có ý chí đóng góp cho quê hương", anh Hát cho biết.
Đồng tình với các giải pháp do ông Nguyễn Văn Quế nêu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng thu hút nhân tài chính là thu hút nguồn lực cho phát triển. Trong khi chưa có đủ nguồn lực để tạo sức hấp dẫn cạnh tranh về cơ chế, điều kiện, môi trường để thu hút nhân tài thì cần đặc biệt coi trọng việc sử dụng người giỏi tại chỗ theo phương châm: đãi ngộ tốt, cơ hội thăng tiến tốt, môi trường làm việc tốt để sáng tạo tốt.
Đổi mới trong tuyển dụng, hỗ trợ
Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021 - 2030 của Tỉnh ủy đã đề cập đến nhiều nhiệm vụ, giải pháp mới để tập trung tháo gỡ hạn chế trong công tác thu hút, sử dụng, trọng dụng nhân tài. Trong đó có chính sách ưu tiên việc sử dụng, đào tạo sau tuyển dụng đối với các trường hợp trúng tuyển là sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi, xuất sắc ở nhóm các trường đại học chất lượng cao, trường đại học ở nước ngoài; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững, trong đó chú ý thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý có kinh nghiệm, người có học hàm, học vị tiến sĩ về công tác tại tỉnh; xét tuyển sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học công lập, nhà khoa học trẻ tài năng vào công chức, viên chức...
Đồng thời với các giải pháp mới tạo sức hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng cần nghiên cứu, tham khảo cách tuyển dụng, sử dụng người giỏi của các địa phương khác. Cần dành sự quan tâm thỏa đáng để hợp tác với những nhân tài là con em của tỉnh đang công tác, làm việc ở trong và ngoài nước. Cùng với đó, cần có cơ chế để hỗ trợ và phát huy tốt nguồn nhân tài trong tỉnh. Ở nhiều địa phương, doanh nghiệp, việc thu hút nhân tài đều hướng đến sự linh hoạt trong tạo cơ chế, đáp ứng theo nhu cầu của từng trường hợp để người tài phát huy. Cụ thể, có doanh nghiệp, địa phương mời gọi nhân tài bằng cách giao các việc khó, nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi chất lượng, áp lực về tiến độ cùng với đó là chế độ thưởng rất cao, khả năng thăng tiến nhanh để kích thích nhân tài đóng góp. Ở Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), người giỏi được khẳng định, hưởng đãi ngộ qua đánh giá trong cùng một nhiệm vụ, cùng điều kiện hoàn cảnh như nhau và người hoàn thành công việc tốt nhất là người giỏi nhất. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp định kỳ đánh giá, thưởng nhà, xe ô tô hoặc phần thưởng lớn cho những tập thể, cá nhân có thành tích nổi trội...
LINH AN