Theo dự kiến ngày 19-5, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ được thông xe trước và đưa vào khai thác tạm thời đoạn từ Hải Dương – Hải Phòng dài khoảng 25km.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc tổ chức thông xe, khai thác tạm thời và thực hiện thu phí dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sau khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc nghiệm thu các hạng mục công trình thực hiện theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam hoàn thiện các hạng mục công trình còn lại theo đúng dự án đầu tư được duyệt; lấy ý kiến của Bộ Tài chính về mức thu phí theo đúng quy định trước khi tổ chức thu phí. Đồng thời xây dựng quy trình quản lý, khai thác tạm thời để đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông trên tuyến.
Theo kế hoạch, ngày 19/5 tới đây, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đoạn từ Hải Dương đến Hải Phòng dài 25km sẽ được thông xe trước. Ảnh: Internet |
Sẽ thi công cả trong ngày nghỉ lễ để bảo đảm tiến độ
Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài 105,5 km với điểm bắt đầu nằm trên đường vành đai 3 của Hà Nội (cách mố bắc cầu Thanh Trì 1,025 km thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40), Hải Phòng (33km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng).
Đây là tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A có 6 nút giao liên thông khác mức tại giao cắt với các quốc lộ. Tuyến đường có 9 cầu lớn, 21 cầu trung, 22 cầu vượt với tổng chiều dài cầu khoảng 11km. 124 cống chui và cầu vượt dân sinh.
Tốc độ ô tô thiết kế đạt 120km/giờ. Mặt cắt ngang bình quân là 100 m, mặt đường rộng 33 m với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa, dải cây xanh hai bên đường, có đường gom ở các vị trí cần thiết.
Trên tuyến có hệ thống kiểm soát giao thông thông minh và hệ thống thu phí tự động, khép kín, tổ chức giao thông hiện đại và thông suốt, có lắp đặt hệ thống camera để kiểm soát và ghi nhận hình ảnh, có các trạm dịch vụ, các thiết bị cung cấp xăng dầu, sửa chữa nhỏ.
Đây là dự án được triển khai theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) với cơ chế thí điểm. Dự án có mức tổng đầu tư ban đầu được phê duyệt năm 2007 là 24.566 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tờ trình điều chỉnh mới đây của Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở thẩm định của Viện kinh tế Xây dựng và đề xuất của chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) thì tổng mức đầu tư đã đội lên gần gấp đôi với mức xấp xỉ 45.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số tiền gần 21.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) mà Vidifi xin điều chỉnh, đáng kể nhất là chi phí xây dựng và thiết bị tăng hơn 12.400 tỷ; kế đến là hơn 5.200 tỷ lãi vay, trong khi kinh phí giải phóng mặt bằng cũng đội giá 2.200 tỷ.
Theo dự kiến, ngày 19/5 tới tuyến cao tốc này sẽ được thông xe trước 25 km đoạn Hải Dương - Hải Phòng, đến 30/7 phải thông xe tiếp 75 km đoạn Hưng Yên - Hải Dương và đến cuối tháng 11/2015 sẽ thông xe toàn tuyến (105,5km).
Hiện để bảo đảm tiến độ dự án, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI - chủ đầu tư dự án) cho biết, các nhà thầu sẽ không nghỉ lễ 30-4 và 1-5 mà tập trung vào thi công ngày đêm khi có điều kiện thời tiết tốt, bảo đảm đúng tiến độ theo như chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, việc sớm đưa công trình vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn, sẽ phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng khác như cảng biển, sân bay và các quần thể du lịch, thúc đẩy giao thương; góp phần điều tiết giao thông quốc lộ 5, quốc lộ 10, giảm tai nạn giao thông, tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
VẠN XUÂN(VnMedia)