Sáng 8-1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh thông xe hai hầm đường bộ tại nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân, Hà Nội.
Những chiếc xe đầu tiên đi qua hầm đường bộ Thanh Xuân - Ảnh: T.Phùng |
Đây là hai đường hầm đi qua ngã tư của hai tuyến đường hướng tâm từ nội đô Hà Nội giao cắt với đường vành đai 3 trên địa bàn Q. Thanh Xuân nhằm góp phần cải thiện năng lực lưu thông, giảm ùn tắc giao thông.
Hầm đường bộ Trung Hòa được xây dựng trong phạm vi nút giao thông Trung Hòa, kết nối đại lộ Thăng Long với đường Trần Duy Hưng vào nội đô.
Phần hầm kín bằng bêtông cốt thép dài 120m, rộng 16,25m và phần hầm hở dài 287m. Hầm được thiết kế thành hai phần chạy xe riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 12m, gồm 3 làn xe rộng 3,5m. Tốc độ xe qua hầm là 60km/g.
Dự án hầm đường bộ Trung Hòa có tổng mức đầu tư 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là hơn 717 tỷ đồng từ vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam.
Dự án do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP và Công ty TNHH Kỹ thuật và xây dựng Hanshin là nhà thầu của dự án.
Hầm đường bộ Trung Hòa đi vào khai thác đã hoàn thiện nút giao thông Trung Hòa thành nút giao 3 tầng gồm phần hầm, đường và đường vành đai 3 trên cao.
Hầm đường bộ Thanh Xuân được xây dựng trong phạm vi nút giao Thanh Xuân thuộc đường vành đai 3 Hà Nội giao với quốc lộ 6, đường Nguyễn Trãi.
Hầm được động thổ ngày 28-6-2014 với tổng mức đầu tư hơn 551 tỷ đồng từ nguồn vốn dư của dự án xây đường vành đai 3 Hà Nội.
Dự án hầm đường bộ Thanh Xuân do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP và Công ty TNHH Kỹ thuật và xây dựng Hanshin làm nhà thầu với thời gian thi công theo hợp đồng là 18 tháng.
Hầm đường bộ Thanh Xuân được xây dựng dọc theo đường Nguyễn Trãi (quốc lộ 6) hướng về Hà Đông. Tổng chiều dài và đường dẫn vào hầm là 980m. Trong đó, chiều dài phần hầm kín bằng bê tông cốt thép dài 109m. Chiều dài phần hầm hở là 280m, được thiết kế hai chiều chạy xe riêng biệt, mỗi bên 2 làn xe, vận tốc thiết kế 60km/g.
Hầm đường bộ Thanh Xuân hoàn thành đã đưa nút giao thông Thanh Xuân trở thành nút giao 4 tầng gồm hầm đường bộ, đường trên mặt đất, đường trên cao và đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở trên cùng.
Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và nhà thầu hoàn thành sớm dự án trong điều kiện vừa khai thác vừa thi công.
Phó Thủ tướng nhận định hai hầm đường bộ được đưa vào khai thác góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông nhưng cần phải tổ chức, quản lý giao thông tốt để tránh tình trạng đường càng đẹp tai nạn càng nhiều.
Hầm đường bộ Thanh Xuân đưa vào khai thác đã hoàn thành nút giao 4 tầng ở ngã tư Thanh Xuân - Ảnh: T.Phùng |
Thông xe hầm đường bộ Thanh Xuân - Ảnh: T.Phùng |
Một phần hầm đường bộ Trung Hòa - Ảnh: T.Phùng |
Nhìn từ trên cao, hầm đường bộ mới được thông xe trở thành tầng thứ tư trong nút giao 4 tầng của nút giao thông Thanh Xuân - Ảnh Nguyễn Khánh |
Một số người dân sống xung quanh nút giao thông đứng trên cầu thang bộ nhìn xuống con đường mới được thông xe. Nút giao thông Thanh Xuân luôn là điểm nóng về tình trạng tắc đường của Hà Nội - Ảnh Nguyễn Khánh |
Là cửa ngõ phía Nam của Hà Nội do vậy lượng phương tiện di chuyển tại trục giao thông này là rất lớn - Ảnh Nguyễn Khánh |
Hầm chui Thanh Xuân có chiều dài 980m, rộng 14m, được khởi công tháng 6-2014, xây dựng theo hướng Nguyễn Trãi - Quốc lộ 6 - Ảnh Nguyễn Khánh |
Một người đàn ông đi xe đạp nhìn xuống con đường mới được đi vào hoạt động, theo quy định, các loại xe có chiều cao trên 4,75m, người đi bộ và xe đạp không được đi trên hầm chui Thanh Xuân - Ảnh Nguyễn Khánh |
TUẤN PHÙNG (Tuổi trẻ)