Sau hơn 1 năm thực hiện, chính sách thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Từ khi có quy định thông tuyến khám bảo hiểm y tế, nhiều trạm y tế xã, phường luôn trong tình trạng thưa vắng bệnh nhân
Song chính sách này cũng khiến nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn thưa vắng hẳn.
Người dân hưởng lợiTheo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, từ ngày 1.1.2016, người dân tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT ở bất kỳ nơi nào trong số các cơ sở y tế kể trên đều được coi là đúng tuyến.
Bà Nguyễn Thị Huê ở thị trấn Nam Sách thường bị cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi. Trước đây, bà thường ra trạm y tế thị trấn khám và xin cấp thuốc điều trị. Từ khi thông tuyến, bà Huê thường lên thẳng Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Sách để điều trị vì theo bà bệnh viện huyện gần nhà, lại điều trị hiệu quả, nhanh khỏi bệnh hơn.
Cùng quan điểm ấy, bà Phạm Thị Chiến ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) cho rằng bệnh viện tuyến huyện có đội ngũ bác sĩ chuyên môn tốt hơn, đầy đủ trang thiết bị, thuốc men... Bà Chiến bị viêm loét dạ dày. Từ khi có chính sách mới, bà đi thẳng lên bệnh viện tuyến huyện khám bệnh mà không phải xin giấy giới thiệu ở trạm y tế xã. Một lần sang huyện Tứ Kỳ thăm con và các cháu, bệnh đau dạ dày của bà tái phát. Các con đưa bà Chiến ra Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ khám và điều trị rất thuận tiện. "Trước kia, bệnh của tôi không thuộc diện cấp cứu thì phải về Trạm Y tế xã Đồng Quang lấy giấy giới thiệu, sau đó theo tuyến khám ở Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc. Còn nếu khám chữa tại Bệnh viện Đa khoa Tứ Kỳ thì BHYT chỉ thanh toán 70% chi phí theo quy định khám trái tuyến", bà Chiến nói.
Lãng phí tiền của Nhà nước
Cần tuyên truyền để người dân hiểu với những bệnh thông thường, đội ngũ y, bác sĩ
trạm y tế tuyến xã hoàn toàn có khả năng chữa trị tốt
Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT là chủ trương đúng đắn, giúp người dân giảm bớt nhiều khâu trung gian, tiết kiệm thời gian, hưởng dịch vụ chất lượng tốt hơn. Nhưng dựa vào chính sách này, nhiều người dân "vượt tuyến" lên huyện khiến các trạm y tế cấp xã rơi vào tình trạng đìu hiu, lãng phí cả nhân lực và vật lực đã đầu tư.
Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) có những thời điểm cả ngày không có một bệnh nhân đến khám. Đội ngũ cán bộ của trạm gồm 5 người (1 bác sĩ chuyên khoa I kiêm trạm trưởng, 2 y sĩ, 1 nữ hộ sinh và 1 điều dưỡng) luôn mỏi mắt chờ người bệnh. Được đầu tư 3 tỷ đồng xây mới khu nhà 2 tầng khang trang, trạm có 6 giường bệnh để phục vụ điều trị nội trú, 11 phòng chức năng được trang bị máy móc khá hiện đại. Năm 2013, sau khi được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo được đầu tư thêm 150 triệu đồng mua thêm trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Riêng phòng thủ thuật để khám phụ khoa, đặt vòng tránh thai, nạo hút thai với đầy đủ máy hút nhớt, dụng cụ sản khoa, được đầu tư gần 30 triệu đồng nhưng hầu như “đắp chiếu”. Chiếc máy xét nghiệm hiện đại của trạm trị giá khoảng 20 triệu đồng nhưng cũng rất ít được sử dụng.
"Việc mỗi ngày chỉ có 3-4 bệnh nhân đến trạm y tế xã chủ yếu xin cấp phát thuốc cảm sốt làm tôi chán nản vì không vận dụng được kiến thức đã học vào thực tế."
|
|
Theo Trạm trưởng Vũ Thị Hồng Phin, trước đây chưa có quy định khám thông tuyến BHYT, nhiều người dân vẫn đến trạm khám chữa những bệnh thông thường. Nhưng từ khi có quy định mới, rất ít bệnh nhân chọn khám chữa ở trạm y tế phường. Mỗi tháng, trung bình có khoảng 130 lượt người đến khám chữa bệnh nhưng có tháng không có bệnh nhân nào.
Không chỉ lãng phí cơ sở vật chất, ngay cả đội ngũ y, bác sĩ được đầu tư bài bản nhưng không phát huy được chuyên môn cũng gây ra sự lãng phí lớn. Theo Quyết định 35/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh, tỉnh đầu tư 618 triệu đồng để hỗ trợ đào tạo cho 16 bác sĩ, dược sĩ học đại học, sau đó đưa về trạm y tế tuyến xã công tác nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân nhưng thực trạng trên khiến đội ngũ này không phát huy được chuyên môn, nghiệp vụ. Bác sĩ Vũ Đình Thiện - một trong số 16 người sau khi được hỗ trợ đào tạo đã về làm việc tại Trạm Y tế xã Tân Việt (Bình Giang). Bác sĩ Thiện cho biết: “Việc mỗi ngày chỉ có 3-4 bệnh nhân đến trạm y tế xã chủ yếu xin cấp phát thuốc cảm sốt làm tôi chán nản vì không vận dụng được kiến thức đã học vào thực tế”.
Theo Sở Y tế, toàn tỉnh có 263 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đến thời điểm này, phần lớn trạm y tế đều đạt chuẩn, được đầu tư nhiều tiền để mua sắm trang thiết bị và đào tạo đội ngũ y, bác sĩ. Từ khi thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, số lượng người đến khám tại các trạm y tế giảm khoảng 20%. Nhiều trạm y tế cả tháng không có bệnh nhân. Đội ngũ y, bác sĩ không biết làm gì ngoài việc trực trạm, quét dọn, lau chùi máy móc...
Để khắc phục tình trạng này, theo bác sĩ Phạm Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Y tế, các trạm y tế cần đổi mới về tổ chức. Tỉnh cần có chính sách xã hội hóa, cho phép các trạm y tế có nhu cầu và có khả năng hợp thành một trạm khu vực có chất lượng chuyên môn sâu để khai thác hiệu quả nguồn lực. "Mô hình trạm khu vực sẽ thay thế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhỏ. Nếu được đầu tư xứng đáng, các trạm khu vực này hoàn toàn thu hút nguồn nhân lực giỏi, từ đó thu hút được bệnh nhân", ông Tám phân tích.
Cũng theo ông Tám, các trạm y tế cần nắm bắt, quản lý tốt hồ sơ sức khỏe của người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân hiểu rõ với những bệnh thông thường, đội ngũ y, bác sĩ trạm y tế tuyến xã hoàn toàn có khả năng chữa trị tốt, vừa đỡ tốn kém cho người dân, vừa giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
LÊ HƯƠNG