Sáng 11-11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
* Tăng 5% mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức từ tháng 5-2016
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Phí, lệ phí. Ảnh: TTXVN
Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên Theo dự toán, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng; nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.019.200 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Nghị quyết giao Chính phủ trong năm 2016 thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015.
Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận, trốn thuế. Hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước.
Nghị quyết yêu cầu việc điều hành chi ngân sách nhà nước phải theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, ngành, địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh. Tổ chức bầu cử QH và bầu cử HĐND các cấp theo tinh thần triệt để tiết kiệm; đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi ngân sách nhà nước. Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước và chi chuyển nguồn sang năm sau. Thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều chỉnh tiền lương từ ngày 1-1-2016Dự thảo Nghị quyết của QH vừa thông qua cũng nêu rõ thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1-1-2016.
Từ ngày 1-1-2016 đến 30-4-2016, tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng như quy định tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10-11-2014 của QH. Từ ngày 1-5-2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng; riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015. Giao các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương. Ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Tiếp tục thu vào ngân sách nhà nước 75% số tiền lãi dầu khí được chia nước chủ nhà, lợi nhuận của Liên doanh dầu khí Việt - Nga và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2016; số tiền còn lại (25%) để lại cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật.
Quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tăng cường huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hợp tác công - tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã được QH quyết định. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; trong điều hành cần có biện pháp tích cực để giảm bội chi và tăng chi trả nợ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay của ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng vay trung hạn và dài hạn với lãi suất phù hợp; bảo đảm dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định.
Đề nghị quy định danh mục phí, lệ phí trong luậtDanh mục phí, lệ phí là nội dung được nhiều đại biểu QH góp ý tại phiên thảo luận chiều cùng ngày. Nhiều ý kiến đề nghị quy định ngay trong dự luật danh mục chi tiết phí, lệ phí, bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Tán thành với quy định này, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) và một số ý kiến đại biểu đề nghị cùng với việc quy định chi tiết ngay trong dự luật danh mục chi tiết phí, lệ phí, cần phải có quy định cụ thể để bảo đảm sự tham gia giám sát trong quá trình thực hiện của các tổ chức đoàn thể, xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị tiếp tục xem xét, rà soát lại các khoản phí, lệ phí trong danh mục và cần có chú giải quy định trong các văn bản luật chuyên ngành để đại biểu và người dân giám sát tuân thủ pháp luật chuyên ngành và pháp luật về phí, lệ phí.
Để đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn phát sinh, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc QH ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh danh mục phí, lệ phí khi Chính phủ trình.
TTXVN
Ý kiến cử tri
"Cởi trói" cho người chăn nuôi
Mặc dù Bộ Tài chính đã bỏ nhiều loại phí và lệ phí, nhưng vẫn còn hàng trăm loại phí, lệ phí đang bủa vây người chăn nuôi. Những khoản phí này làm tăng chi phí, giảm động lực cho người chăn nuôi. Theo tôi, Nhà nước cần rà soát lại tổng thể các loại phí, lệ phí. Những loại phí, lệ phí không cần thiết hoặc chồng chéo cần phải bỏ. Có thể sử dụng các dịch vụ công, làm cho dịch vụ công gần hơn với người chăn nuôi, góp phần giảm bớt chi phí. Đặc biệt, quá trình hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, người chăn nuôi cần được "cởi trói" nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành này.
Lần này việc bãi bỏ nhiều khoản thu liên quan đến cấp giấy phép có thu lệ phí và nhiều chỉ tiêu thu phí thú y ở các khâu khác nhau đã giảm sức ép cho người chăn nuôi. Theo tôi, các thủ tục hành chính gây phiền hà cho người chăn nuôi và người tiêu dùng cũng cần phải được bãi bỏ. Có như vậy mới giúp người chăn nuôi đối phó với cơn bão hội nhập đang tràn vào nước ta.
LỤC VĂN THÀNH (Chủ trang trại thôn Bãi Thảo 1, xã Bắc An, Chí Linh)
Bỏ hẳn phí bảo trì đường bộ đối với xe máy
Tôi thấy việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy thời gian qua không hiệu quả, số tiền thu được thấp, không đạt mục đích đề ra. Trong 2 năm 2013 và 2014, mỗi năm cả nước chỉ thu được trên 550 tỷ đồng, còn trong nửa đầu năm nay chỉ thu được gần 175 tỷ đồng. Trong khi đó, việc thiếu chế tài xử lý đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, không đóng phí đã gây ra sự mất công bằng giữa những người sử dụng, lưu thông mô tô, xe máy trên đường. Do đó, Chính phủ đã tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên cả nước từ ngày 1-1-2016 theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải. Tôi rất tán thành việc này.
Theo tôi, hiện nay giá xăng dầu đã cao, khi mua xăng dầu người dân đã trực tiếp đóng một khoản phí cho Nhà nước. Do đó, nếu thu thêm một khoản phí nữa đối với xe máy thì đó sẽ giống như thu 2 lần. Bên cạnh đó, xe máy là phương tiện đi lại thiết yếu của hầu hết người dân, nhất là người nghèo. Việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ tăng gánh nặng lên vai người nghèo. Cơ quan thu phí là UBND phường, xã, thị trấn lại chưa có chế tài xử phạt nên nhiều chủ xe không chấp hành nộp phí dẫn đến số phí thu được thấp, không công bằng.
Để bảo đảm kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông theo tôi, Chính phủ nên tăng mức thu phí đối với các phương tiện có trọng tải lớn, xử phạt nặng những xe chở quá tải. Vì đây là những phương tiện ảnh hưởng đến các tuyến giao thông.
NGUYỄN NĂNG HƯỞNG (Xã Hồng Phong, Nam Sách)
Sử dụng phí lòng đường, hè phố công khai, minh bạch
Thời gian qua, nhu cầu sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích kinh doanh trông giữ ô tô, xe máy hoặc phục vụ đám cưới, đám tang ngày càng lớn. Việc sử dụng lòng đường, hè phố thường do chính quyền đứng ra tổ chức nhằm tạo nguồn thu bổ sung cho ngân sách, dùng để chi tiêu vào những công việc cần thiết ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều lúc công tác này bị buông lỏng. Nhiều cá nhân tự đứng ra quản lý, thu phí trông giữ ô tô, xe máy, bán hàng dưới lòng đường, trên vỉa hè không theo quy định. Số tiền thu được từ hoạt động này cũng không được quản lý chặt chẽ.
Vì vậy, theo tôi, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè phải được quản lý chặt chẽ, không nên cho cá nhân đấu thầu để tránh việc thu phí không đúng theo quy định, gây bức xúc trong nhân dân. Việc sử dụng lòng đường, hè phố cần quy hoạch một cách rõ ràng, cụ thể từng tuyến phố, từng khu vực được phép sử dụng. Khoản phí này phải được sử dụng công khai, minh bạch, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
HOÀNG NGỌC TUẤN (Phố Tuệ Tĩnh, TP Hải Dương)
|
Sáng 12-11, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020; nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Buổi chiều, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật về Hội; thảo luận về dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
|