Chúng tôi có mặt tại đình làng Đồng Đội, xã Thống Kênh (Gia Lộc) đúng vào hôm Câu lạc bộ (CLB) hát tuồng cổ của thôn tổ chức tập luyện.
Thành viên trong câu lạc bộ tuồng cổ đều đã cao tuổi
Trong tiếng nhạc, tiếng kèn rộn ràng, ông Vũ Viết Phiệt nhập vai với điệu bộ oai hùng và lối diễn linh hoạt. Nhìn cách diễn, ít ai ngờ ông đã bước sang tuổi 82.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông Phiệt đã mê những điệu tuồng cổ do các bậc cao niên trong làng biểu diễn. Sau khi đi bộ đội rồi trở về địa phương công tác, ông vẫn gắn bó và dành cho tuồng cổ một tình cảm đặc biệt. Ngoài chất giọng vang, ấm, người dân còn mê cách diễn mộc mạc và gần gũi của ông. Ông cũng đạo diễn hầu hết các vở tuồng của CLB và tự tay thiết kế một số trang phục để biểu diễn như mũ, ngạch... Ông cùng những diễn viên gạo cội về tuồng cổ trong làng đã sưu tầm, khôi phục các vở, trích đoạn tuồng để các lớp thế hệ sau luyện tập, biểu diễn.
Cả xã trước đây có 3 phường hát tuồng là phường tuồng cụ Viên, phường cụ Thiêm và phường cụ Cau. Hiện nay, duy nhất chỉ còn làng Đồng Đội gìn giữ được nghệ thuật tuồng. Tuồng cổ hay còn gọi là tuồng hét đòi hỏi người diễn phải có chất giọng cao, vang, có một số nhạc cụ như trống, kèn, đàn nhị. Một vở tuồng thường kéo dài từ 1-2 giờ, có vở hơn 3 giờ. "Dù sức khỏe hạn chế nhưng tôi vẫn cố gắng tham gia diễn xuất và truyền dạy cho các con cháu trong làng. Gìn giữ nghệ thuật tuồng cổ là để tiếp nối thế hệ cha ông đi trước và để gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc", ông Phiệt chia sẻ. Nhiệt huyết với nghệ thuật tuồng cổ của ông Phiệt đã lan tỏa tới các thành viên trong CLB hát tuồng cổ của làng.
Lớn lên cùng những làn điệu tuồng cổ ở làng Đồng Đội, ông Nguyễn Đa Trưởng (57 tuổi) cũng đến với tuồng cổ một cách tự nhiên. Dù bận rộn với công việc đồng ruộng nhưng vì yêu thích nên ông vẫn tham gia CLB tuồng cổ của làng. Ông cho biết: "Diễn tuồng rất khó vì đòi hỏi sự khéo léo, linh hoạt từ lối hát đến điệu bộ. Từ động tác tới kiểu cách đi đứng đều theo tính cách của nhân vật. Động tác tôi cảm thấy khó nhất là vừa múa gậy lại vừa phải hát". Để học hỏi thêm cách diễn tuồng cổ, ông Trưởng tìm đến những người có kinh nghiệm trong làng. Mỗi buổi sáng ông đều tự tập luyện cách đi đứng, động tác các vai diễn.
CLB hát tuồng cổ của làng Đồng Đội hiện có 22 thành viên từ 46 đến gần 90 tuổi. Dù không được đào tạo qua trường lớp, các thế hệ người làng Đồng Đội vẫn truyền dạy cho nhau từ cách hóa trang đến lối diễn... Hằng tuần, các thành viên trong CLB hát tuồng đều có mặt đông đủ ở đình làng để tập luyện. Không chỉ phục vụ người dân địa phương, CLB tuồng cổ làng Đồng Đội còn thường xuyên được mời đi biểu diễn tại các huyện trong tỉnh vào dịp lễ hội hay những sự kiện quan trọng của các địa phương.
Dù vẫn đang hoạt động đều đặn nhưng trong bối cảnh các môn nghệ thuật truyền thống đang dần bị mai một, đặc biệt là việc tìm lớp người kế cận rất khó khăn, những người hát tuồng cổ ở làng Đồng Đội không khỏi trăn trở. Ông Phiệt chia sẻ: "Không phải ai muốn tham gia diễn xuất cũng được. Bởi ngoài dáng vẻ của người đó phải toát ra được thần thái của nhân vật thì người học phải cần mẫn, chịu khó tập luyện. Hiện số người trong làng biết và tham gia diễn xuất rất ít, lại đều là những người trung niên hoặc cao tuổi. Chúng tôi mong muốn các cán bộ quản lý văn hóa sớm có giải pháp để khôi phục, mở rộng CLB hát tuồng cổ, chú trọng truyền dạy cho lớp trẻ để tránh mai một nghệ thuật này".
THẢO NGUYỄN