Thoi thóp làng nghề chiếu cói Tiên Kiều

20/08/2012 10:16

Khoảng 2 năm trở lại đây, tình hình sản xuất chiếu cói của làng nghề chiếu cói Tiên Kiều gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ mai một.



Làng nghề chiếu Tiên Kiều chỉ còn 30% số hộ làm nghề


Năm 2005, làng nghề chiếu cói ở thôn Tiên Kiều, xã Thanh Hồng (Thanh Hà) được công nhận. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, tình hình sản xuất chiếu cói của làng gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ mai một.

Nói đến chiếu cói Tiên Kiều, người ta thường nghĩ đến những chiếc chiếu vừa đẹp, vừa bền được làm từ bàn tay khéo léo của con người cần cù nơi đây. Trước kia, cả thôn làm chiếu, nhà nhà làm chiếu, nhiều người ở thôn bên, xã bên cũng sang mua nguyên liệu về làm. Phong trào làm chiếu cói sôi động nhất từ năm 2005-2010. Nhưng đến nay, chỉ còn khoảng 30% số hộ làm nghề này. Cách đây 3 năm, thôn Tiên Kiều có khoảng 80 ha trồng cói, 50 ha trồng đay để làm chiếu, nhưng đến nay chỉ còn gần 50 ha cói; diện tích trồng đay còn giảm nhiều hơn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sức mua của thị trường giảm dần. Ông Trịnh Xuân Dung, Trưởng thôn Tiên Kiều cho biết: “Do mùa đông người dân dùng đệm, mùa hè thì dùng chiếu tre Trung Quốc nên chiếu cói ít được người tiêu dùng lựa chọn. Trước đây, các thương lái ở Nam Sách, Kim Thành, Kinh Môn đến mua tấp nập, nhưng nay thì ít người đến, người làm chiếu chủ yếu bán lẻ ở các chợ trong huyện”. Mặc dù sản xuất chiếu từ lâu, nhưng đến nay cả làng nghề mới chỉ có một máy dệt chiếu hoạt động, còn chủ yếu làm thủ công, nên năng suất thấp. Bên cạnh đó, giá chiếu ngày càng thấp, bình quân, một đôi chiếu đẹp có giá 150-200 nghìn đồng; chiếu trung bình từ 90-101 nghìn đồng, giảm 30% so với 2 năm trước. Thị trường tiêu thụ chậm, lao động bắt đầu thờ ơ với nghề làm chiếu. Hầu hết thanh niên đi làm công ty, chỉ còn một số người già và trẻ nhỏ làm chiếu.

Bà Phạm Thị Uyến ở thôn Tiên Kiều cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi không thể sống bằng nghề làm chiếu. Những năm trước, người đặt chiếu, mua chiếu đến tận nhà lấy, nhưng nay mang đi rao bán khắp nơi cũng chẳng mấy ai mua. Hiện tôi chỉ duy trì hơn 1,5 sào cói để không bị mất nghề. Mỗi tháng, cố gắng lắm tôi mới dệt được 30 đôi, trừ chi phí thu lãi gần 1 triệu đồng, không đủ trang trải sinh hoạt gia đình”. Cùng cảnh ngộ đó, chị Nguyễn Thị Hà buồn rầu cho biết: “Tôi bỏ nghề làm chiếu từ đầu năm. Để làm một chiếc chiếu mất nhiều công sức và chi phí. Chi phí mua phân bón về chăm sóc cho 2 loại nguyên liệu cói, đay, bình quân một năm mất chục triệu đồng, chưa kể công phơi đay, cói rồi công trải, công se đay. Cói lại chỉ thu được 1 vụ chính. Nay tôi chuyển sang làm may, mỗi tháng được hơn 3 triệu đồng mà nhàn hơn so với làm chiếu”.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã Thanh Hồng cho biết: Dù được công nhận là làng nghề nhưng người làm nghề chưa được đầu tư kinh phí để phát triển, nhân rộng; không được hỗ trợ phân bón chăm sóc cây nguyên liệu; không có cơ quan nào đứng ra bao tiêu sản phẩm. Người dân loay hoay tìm thị trường nhưng không có kết quả. Chính quyền đã động viên nhân dân duy trì làng nghề. Tuy nhiên, không tránh khỏi nguy cơ mai một.

Làng chiếu cói Tiên Kiều là làng nghề duy nhất của huyện Thanh Hà. Thực trạng hiện nay cần các cơ quan, ban, ngành quan tâm để người dân tiếp tục sản xuất. Cần có chương trình hỗ trợ, tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất cho làng nghề. Hỗ trợ về kỹ thuật, máy móc làm chiếu cho người dân làng nghề. Bên cạnh đó, cần nâng cấp, tu sửa đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái đến mua buôn chiếu.      

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoi thóp làng nghề chiếu cói Tiên Kiều