Tạo bước đột phá để đạt được 20.000 - 22.000 doanh nghiệp vào năm 2020

05/12/2018 11:21

Sáng 5.12, sau phiên thảo luận tại hội trường, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 15 đã tiến hành chất vấn giám đốc một số sở, ngành về những vấn đề còn hạn chế, khó khăn được dư luận quan tâm.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Chung

Về việc Hải Dương không thực hiện được chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp trong năm 2018, đồng chí Nguyễn Đình Kiêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12.709 doanh nghiệp, dự kiến đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có khoảng 13.000 doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp bình quân theo đầu người đạt tỷ lệ cao gần gấp đôi trung bình cả nước. Tuy nhiên, dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong những năm qua tăng nhưng còn chậm. Trên địa bàn tỉnh nhiều hộ kinh doanh chưa được chuyển đổi thành doanh nghiệp. Quy mô vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp còn nhỏ, trình độ quản trị, chất lượng nhân lực còn thấp. Số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động hàng năm còn khá lớn...


Đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Kiêm trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Chung

Để phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có từ 20.000 - 22.000 doanh nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, thuế, hải quan, phòng cháy, chữa cháy... Tích cực triển khi thực hiện các luật, quy định, chủ trương, chính sách của trung ương và tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Công khai các bước xử lý để tạo lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền.

Thực hiện tốt vai trò kiến tạo của các cơ quan nhà nước đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Tập trung xử lý dứt điểm tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, nhiều lần, kèo dài thời gian. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp. Tập trung thực hiện các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình doanh nghiệp. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm...

Trước giải đáp của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặt câu hỏi đâu là giải pháp mang tính đột phá, để thành lập doanh nghiệp một cách nhanh nhất?

Đồng chí Nguyễn Đình Kiêm cho rằng đó là giải pháp về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, trình tự thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, các huyện cần tích cực rà soát, hướng dẫn các hộ kinh doanh nhận thức đúng về thực hiện quy định thành lập doanh nghiệp. Tỉnh nên dành kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập, đồng thời dành quỹ đất cho doanh nghiệp vừa vào nhỏ đầu tư.


Đồng chí Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường Vũ Ngọc Long giải đáp câu hỏi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển. Ảnh: Thành Chung

Đồng chí Vũ Ngọc Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về quỹ đất. Theo đồng chí Long, cần rà soát, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các hộ sản xuất, kinh doanh. Thực tế nhiều hộ có trên 10 lao động nhưng vẫn là hộ kinh doanh cá thể, chưa thành lập doanh nghiệp theo quy định. Về việc tiếp cận đất đai cần giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Hạn chế doanh nghiệp nhận chuyển nhượng ruộng đất đầu tư sản xuất, kinh doanh ở ngoài khu cụm công nghiêp. Một giải pháp căn cơ nữa là lập quỹ phát triển đất, để sau quy hoạch đất có nguồn tài chính giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư.

Với câu hỏi bao giờ sẽ lập được quỹ đất này của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Đình Kiêm nêu quỹ đất phi nông nghiệp lớn, vấn đề là làm thế nào để quy hoạch gần khu công nghiệp, làng nghề. Tuy nhiên, đồng chí Kiêm thừa nhận 2 Sở Kế hoạch và Đầu tư và Tài nguyên và Môi trường chưa bàn bạc thống nhất về thời gian để làm việc này. Đồng chí Vũ Ngọc Long cho biết ngay sau hội nghị này 2 sở sẽ thực hiện.


Đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương Nguyễn Thị Hải Vân khẳng định ngân hàng sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp. Ảnh: Thành Chung

Đồng chí Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết hiện ngân hàng còn nguồn vốn khá dồi dào, sẵn sàng cho vay để phát triển doanh nghiệp; sẵn sàng tiếp cận, tạo cơ chế phù hợp để doanh nghiệp có đủ điều kiện được hưởng lãi suất ưu đãi. Ngân hàng cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện cho biết nhiều hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh muốn thành lập doanh nghiệp song còn vướng về đất đai. Quy định hiện nay, nếu để các hộ tiếp cận khu cụm công nghiệp tương đối khó khăn, cần thời gian dài mới thực hiện được. Do đó, nên giao cho các huyện thu hút đầu tư doanh nghiệp vào các điểm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện; tạo cơ chế đề phân cấp quyền cho thuê đất khu vực này đối với huyện.

Các hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ phát triển sản xuất công nghiệp phụ trợ, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Bản thân doanh nghiệp cũng muốn đầu tư ở các xã vùng sâu, xa vì giải quyết vấn đề này, tận dụng nguồn lao động cao tuổi ở nông thôn. Nếu không có cơ chế sẽ rất khó phát triển doanh nghiệp.


Đồng chí Bí thư Huyện ủy Thanh Miện Trần Văn Quân đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Thành Chung

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái nêu: Hiện nay, trung bình mỗi năm tỉnh thành lập 1.500-1.600 doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra, trung bình mỗi ngày phải có 10-15 doanh nghiệp được thành lập. Đây là công việc không phải riêng của ngành kế hoạch đầu tư mà cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là các huyện. Đề nghị các ngành, các địa phương quan tâm vấn đề này, chú ý đến đối tượng là hộ sản xuất, kinh doanh có 10 lao động trở lên.

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết chủ trương mỗi năm thành lập mới 1.800 doanh nghiệp do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phải được điều chỉnh lên 2.500 doanh nghiệp, buộc các ngành, các địa phương phải vào cuộc. Yêu cầu các sở ngành rà soát lại tổng thể các hộ sản xuất, kinh doanh có 10 lao động trở lên; có cơ chế chính sách để các hộ tiếp cận đất đai. Tận dụng quy hoạch nông thôn mới, các địa phương đều có điểm phát triển tiểu thủ công nghiệp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai. Tuy nhiên cũng cần tuân thu nghiêm quy định, một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bắt buộc phải vào khu cụm, công nghiệp. Việc thành lập doanh nghiệp không phải chỉ để cho đẹp mà để tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Buổi chiều, Hội nghị tiếp tục làm việc và bế mạc.

HOÀNG THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo bước đột phá để đạt được 20.000 - 22.000 doanh nghiệp vào năm 2020