Thời niên thiếu của Tô Hiệu

07/03/2022 08:30

LTS: Nhân kỷ niệm 110 năm sinh đồng chí Tô Hiệu (1912-2022), báo Hải Dương trân trọng trích đăng bài viết "Thời niên thiếu của Tô Hiệu" của ông Lê Giản, cố Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trong sách "Tinh thần Tô Hiệu" .


Nhà cách mạng Tô Hiệu và cây đào đồng chí trồng trong nhà tù Sơn La


Tôi, Lê Giản, tên khai sinh là Tô Gĩ vốn cùng họ, cùng quê, cùng người làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang (Hưng Yên), chỉ kém Tô Hiệu có một tuổi. Hai gia đình là họ hàng gần gũi, thân mật. 

... Anh Hiệu có những năm anh chị em, anh là con trai út. Ông thân sinh ra anh Hiệu mất sớm. Bà Cả Y, mẹ của anh phải tần tảo thuê mấy sào ruộng cày cấy nuôi con. Có một người chị gái anh Hiệu hơn anh vài tuổi giúp đỡ bà. Người ta thường bảo anh Hiệu là "mẹ nào con nấy" vì bà Cả Y, thân mẫu của anh cũng là người rất vui tính, một bà bác mà chúng tôi rất quý mến, rất gần gũi…

Vào tuổi 10 - 12 thì chúng tôi học xong trường làng. Gia đình nào cũng muốn lo cho con cháu được ra học thêm ở tỉnh, thành. Tô Hiệu lúc đầu lên học ở thị xã Hải Dương, rất tích cực tham gia hoạt động chính trị. Năm 1926 lúc đó mới 14 tuổi, anh đã hăng hái tham gia bãi khóa để tang Phan Chu Trinh nên bị đuổi học. Từ năm 1927, Tô Hiệu được anh cả Tô Tu nuôi cho ăn học ở Hà Nội. Sau hai buổi học về nhà, lúc nhàn rỗi thì trông nom các cháu nhỏ hoặc giúp các việc vặt vãnh trong nhà. Tôi thì mẹ mới chết, bố làm thầy đồ dạy chữ Nho, chữ Quốc ngữ cho các gia đình khá giả. Bố tôi còn một con gái mới sinh chưa được tròn một tuổi, phải nhờ bà ngoại chu cấp, do đó tôi phải ra Hà Nội nhờ một người bà con buôn bán tơ lụa nuôi cho ăn học và giúp đỡ công việc vặt vãnh trong nhà. 

Thời gian từ năm 1929 đến 1930, Hà Nội sôi sục phong trào cách mạng giải phóng Tổ quốc, dân tộc, đặc biệt trong các tầng lớp thanh niên, sinh viên và học sinh. Bắt đầu là việc bí mật truyền cho nhau xem sách báo cách mạng từ nước ngoài gửi về rồi đến mít tinh, biểu tình, bãi khóa, báo chí đòi đế quốc Pháp phải trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu. Năm 1926, khi có cuộc vận động toàn dân làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, sinh viên, học sinh bãi khóa cùng với một số khá đông công nhân, viên chức các cơ quan, công sở, xí nghiệp, nhà máy, hãng buôn đeo băng tang đi vận động bãi công, bãi thị; các nhà buôn ở các phố phường đóng cửa hàng, cửa hiệu đi tụ họp làm lễ truy điệu nhà chí sĩ mới qua đời. Đế quốc Pháp phải huy động mật thám, cảnh sát và cả binh lính đi ngăn cản, giải tán các cuộc tụ họp. Vì quá đông người dự, chúng không bắt hết mà chỉ tìm bắt những người mà chúng cho là cầm đầu. Do đó mà tôi và Tô Hiệu chỉ bị các thầy khuyên nhủ là sau này không được nghe theo người ta vi phạm kỷ luật nhà trường. Tuy nhiên, do qua nhiều cuộc đấu tranh đã tỏ ra là có dũng khí, có kỷ luật nên chúng tôi đã được Học sinh đoàn, một tổ chức của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, sau trở thành Đông Dương Cộng sản Đảng kết nạp vào hội. Chúng tôi hăng hái tham gia viết bài cho báo và tuyên truyền, cổ động cho nhiều người đọc báo hội hoặc xin tham gia vào hội...



Lãnh đạo tỉnh Sơn La và thân nhân gia đình liệt sĩ Tô Hiệu tham quan triển lãm ảnh "Tinh thần Tô Hiệu" tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La


Ngoài nhiệm vụ học tập, chúng tôi đi tuyên truyền kết nạp người vào các đoàn thể quần chúng, đi dự mít tinh, biểu tình, phát truyền đơn, treo cờ, giăng biểu ngữ, dán áp phích vào dịp những ngày lễ hội hay kỷ niệm của Đảng như Ngày Quốc tế lao động 1.5,  kỷ niệm cách mạng Tháng 10 vào ngày 7.11… Cuối cùng năm 1929, cả hai chúng tôi mỗi người được tổ chức vào một tổ đội thanh niên xích vệ với nhiệm vụ đi bảo vệ những cuộc mít tinh, biểu tình, những đồng chí cao cấp được công kênh lên diễn thuyết. Không có vũ khí như súng ngắn, dao găm nhưng chúng tôi được trang bị những quả đấm bằng gỗ cứng hoặc bằng sắt, cũng có khi được phát những thanh sắt hoặc gỗ cứng có thể đeo hay giắt dưới quần áo vừa để phòng thân, vừa để chống lại sự tấn công của đám đông mật thám, cảnh sát hoặc lính khố xanh, khố đỏ…

Là người đồng hương, đồng họ, đồng chí với anh Tô Hiệu, lại may mắn được gần gũi anh ngay từ tấm bé và trải qua nhiều thời kỳ cách mạng, nhiều cơn thử lửa gay go, tôi phải thành thật thốt lên từ đáy lòng mình: Anh Tô Hiệu ơi! Tôi vô cùng cảm phục anh. Bởi vì tôi nhận thấy ở anh một người cộng sản chân chính, mẫu mực hiếm có. Anh đã suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cách mạng đến hơi thở cuối cùng, không một phút nào nghỉ ngơi theo đúng nghĩa đen của nó. Anh có một phẩm chất cách mạng trong sáng đến tuyệt vời, sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi riêng tư cho đến mạng sống của mình để phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân…

Anh đã đi xa lâu rồi mà những kỷ niệm về anh, những công lao, cống hiến của anh vẫn in đậm không thể phai mờ trong tâm khảm bạn bè, đồng chí, đồng bào.

LÊ GIẢN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thời niên thiếu của Tô Hiệu