Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 giành thắng lợi vang dội mở ra triển vọng tốt đẹp cho cách mạng nước ta.
Suốt mấy tháng trời lăn lộn trên những địa bàn rừng núi củng cố và xây dựng mới hệ thống thông tin phòng thủ phía Bắc chưa kịp nghỉ ngơi, chúng tôi nhận lệnh của Bộ Tổng tham mưu hành quân gấp vào Quân khu 4 xây dựng đường vây “Quyết thắng” chạy dọc Trường Sơn đến tây Thừa Thiên - Huế phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Phần đông cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 132 chúng tôi là con em Hải Dương nhập ngũ các năm 1962, 1963 và 1965. Ai nấy đều phấn khởi hát vang bài ca truyền thống với ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Đã từng nếm mùi gian khổ ở hầu hết các địa phương miền Bắc trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, nhưng chưa thấm vào đâu so với những ngày này. Có thể nói dọc tuyến đường dây “Quyết thắng” dài hàng trăm cây số, không lúc nào ngớt tiếng máy bay, không chỗ nào tránh khỏi bom đạn của địch. Địa hình ở đây rất hiểm trở với những vực thẳm, núi cao chỉ có thể vượt qua bằng lý trí của người chiến sĩ cách mạng. Cùng với đó là bệnh sốt rét hoành hành, lương thực và thuốc men thiếu thốn… Ngay từ những tuần đầu ra quân đã có nhiều đồng chí hy sinh vì bom đạn, vì rắn độc và sốt rét rừng. Song sức mạnh tinh thần, niềm tin chiến thắng đã giúp chúng tôi vượt lên tất cả để sống, chiến đấu, giữ vững mạch máu thông tin cho trận đánh có ý nghĩa lịch sử trọng đại này.
Đại đội 3 do trung úy Phạm Luân (người xã An Châu, Nam Sách, nay là TP Hải Dương) làm Đại đội trưởng đảm nhiệm mũi thọc sâu, bám sát Sở chi huy mặt trận Trị Thiên. Quán triệt khẩu hiệu “Thời gian là mệnh lệnh”, cán bộ, chiến sĩ chúng tôi làm việc quên ngày, quên tháng, quên cả Tết Mậu Thân sắp đến. Gặp địch chúng tôi đánh địch mở đường, giữ từng quả sứ, mét dây để có vật liệu thi công. Có lần đường dây vừa xây dựng, chưa kịp bàn giao cho đơn vị bạn đã bị đạn bom phá hủy. Bất chấp mệt nhọc và nguy hiểm, chúng tôi có mặt ngay trên tuyến, khẩn trương khôi phục lại.
Tương tự ở Đại đội 6, đơn vị chủ công của Trung đoàn xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu về phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo đảm năng xuất và chất lượng công trình. Trong đó phải kể đến Nguyễn Đình Thiểng, người con ưu tú của xã An Sinh (Kinh Môn), Tiểu đội trưởng kiên cường thông minh, sáng tạo, lá cờ đầu của toàn đơn vị.
Những nỗ lực và sự cố gắng của chúng tôi được đền đáp. Đúng 12 giờ ngày 30.1.1968 (tức ngày 29 Tết Mậu Thân), người chiến sĩ cuối cùng rời khỏi vị trí cũng là lúc tuyến đường hữu tuyến dây trần Hà Nội - Trị Thiên do chúng tôi xây dựng đã thông. Không ai bảo ai mà người nào người nấy nét mặt rạng ngời vui sướng.
Niềm vui sướng ấy lại nhân lên khi được thủ trưởng Trung đoàn thông báo, các đơn vị sẵn sàng phục vụ phiên làm việc đặc biệt của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng với đồng chí Thiếu tướng Trần Văn Quang, Tư lệnh Mặt trận Thừa Thiên - Huế bằng điện thoại trên đường dây “Quyết thắng”.
Trung úy Phạm Luân được Trung đoàn tin cậy giao cho phụ trách tổ công tác 3 người lắp đặt máy tại Sở chỉ huy mặt trận. Nói là vinh dự, bởi đây là nhiệm vụ cơ mật, ngoài những người được lựa chọn, thì bất cứ ai, kể cả các đồng chí Chính ủy và Trung đoàn trưởng cũng không được ra vào địa điểm đó. Nghiêm túc, thận trọng và bình tĩnh, chúng tôi tập trung cao độ cho công việc khá gọn gàng, nhanh chóng. Trời cuối đông se lạnh mà mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt các anh.
Đúng 22 giờ ngày 30.1.1968, phiên làm việc đặc biệt bắt đầu. Tiếng nói của đồng chí Bí thư thứ nhất trầm ấm, vang to được phóng qua một chiếc loa cỡ nhỏ đặt trong hầm. Sau những lời thăm hỏi, chúc mừng năm mới đối với quân và dân Thừa Thiên - Huế anh hùng, đồng chí nhấn mạnh vị trí quan trọng của mặt trận trong cuộc tổng tiến công này, nhiệm vụ và mục tiêu Quân khu phải thực hiện một số vấn đề nghệ thuật tổng tiến công. Tư lệnh Trần Văn Quang cảm động, cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Bí thư thứ nhất, đồng thời bày tỏ quyết tâm của quân và dân Thừa Thiên - Huế trước giờ phút trọng đại của đất nước. Phiên làm việc qua điện thoại kéo dài gần 20 phút diễn ra suôn sẻ và an toàn tuyệt đối. Ai nấy trong Sở chỉ huy đều hoan hỷ, lòng tràn ngập niềm vui sướng.
Rồi thời khắc lịch sử đã đến. Sau 24 giờ kể từ phiên làm việc đặc biệt của đồng chí Bí thư thứ nhất, từ đường dây “Quyết thắng” lại đồng loạt cùng với các phương tiện thông tin khác truyền mệnh lệnh tiến công tới các chiến trường từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đến đồng bằng Nam Bộ.
Tại Trị Thiên, các lực lượng tham gia chiến đấu bất ngờ nổ súng, tiêu diệt các vị trí quan trọng của địch khiến chúng hốt hoảng tháo chạy. Thừa thắng xông tới, bộ đội ta thực hành truy kích, đánh thẳng vào trung tâm đầu não TP Huế, cắm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh Ngọ Môn.
Ở giai đoạn tiến công, các đại đội 1, 2, 4 tiếp tục khai thác đường dây Quyết thắng phục vụ Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy mặt trận Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đại đội 3 và Đại đội 6 chuyển sang bảo đảm thông tin bằng dây bọc có thiết bị tải ba cho Quân khu Thừa Thiên - Huế. Các cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm, linh hoạt, không sợ hy sinh, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra, bảo đảm thông tin vững chắc trong quá trình chiến đấu cũng như trong suốt 28 ngày đêm quân Giải phóng làm chủ hoàn toàn TP Huế.
Lúc rút về hậu cứ, trong một tình huống hết sức khẩn trương, đồng chí Nguyễn Đình Thiểng chỉ huy 10 chiến sĩ dũng cảm tự nguyện “làm cây cầu sống” kịp đưa toàn đơn vị vượt qua con suối lớn sang bờ bắc, tránh được tổn thất nặng nề do máy bay địch điên cuồng bắn phá.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 giành thắng lợi vang dội, làm thay đổi quan trọng so sánh lực lượng giữa ta và địch, buộc chính phủ Mỹ phải chấp nhận đàm phán, mở ra triển vọng tốt đẹp cho cách mạng nước ta. Trong chiến công ấy có một phần đóng góp quan trọng của Trung đoàn 132 anh hùng.
Tổng kết chiến dịch, tập thể cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 132 cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 và cá nhân Tiểu đội trưởng Nguyễn Đình Thiểng được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng hai.
LÊ ĐÌNH VƯỢNG