Các nhà khoa học nhận thấy “sự giãn nở” thời gian từng tồn tại vào thời vũ trụ sơ khai, với việc thời gian trôi qua chậm hơn 5 lần so với ngày nay.
Chuẩn tinh là những siêu hố đen đang hoạt động mạnh mẽ
Theo NDTV, họ đã tiến hành nghiên cứu bằng cách sử dụng các quan sát về một loạt chuẩn tinh.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy mới đây đã chỉ ra “sự giãn nở” thời gian thông qua 190 chuẩn tinh được theo dõi trong hơn hai thập kỷ tại nhiều dải sóng.
Chuẩn tinh là những hố đen siêu nặng đang hoạt động cực mạnh, lớn hơn Mặt trời của chúng ta hàng triệu đến hàng tỷ lần, thường được tìm thấy ở trung tâm của các thiên hà. Chúng tiêu thụ những vật chất bị hút bởi lực hấp dẫn mạnh mẽ của chúng và phát ra các dòng bức xạ, bao gồm các tia hạt năng lượng cao, trong khi có một vành đai vật chất phát sáng quay xung quanh chúng.
"Khi chúng ta nhìn lại khoảng thời gian khi vũ trụ mới hơn một tỷ năm tuổi, chúng ta quan sát thấy thời gian dường như trôi chậm hơn năm lần. Nếu bạn ở đó, trong vũ trụ sơ khai này, một giây sẽ giống như một giây. Nhưng tại vị trí của chúng ta, tức 12 tỷ năm sau, khoảng thời gian đó sẽ kéo dài hơn”, Giáo sư Geraint Lewis, tác giả nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các quan sát về độ sáng của 190 chuẩn tinh trong vũ trụ, có niên đại khoảng 1,5 tỷ năm sau vụ nổ Big Bang sản sinh ra vũ trụ.
Nhà bác học Einstein, trong thuyết tương đối của mình, đã chứng minh rằng thời gian và không gian đan xen với nhau và rằng vũ trụ đã mở rộng ra bên ngoài theo mọi hướng kể từ vụ nổ Big Bang.
Bằng cách nghiên cứu các vật thể ở xa, các nhà khoa học có thể nhìn ngược thời gian nhờ quãng thời gian ánh sáng truyền trong không gian. Các nhà khoa học trước đây đã ghi nhận “sự giãn nở” thời gian tồn tại khoảng 7 tỷ năm trước, dựa trên các quan sát về vụ nổ siêu tân tinh.
Giáo sư Lewis khẳng định những kết quả này làm rõ hơn bức tranh của Einstein về một vũ trụ đang mở rộng.
Theo Báo Tin tức