"Thời điểm vàng" của thuyết minh viên

12/04/2020 14:10

Các di tích trong tỉnh phải tạm thời đóng cửa vì dịch Covid-19 nhưng đội ngũ thuyết minh viên không ngồi chơi như nhiều người nghĩ.

Các thuyết minh viên, nhân viên Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc dành phần lớn thời gian nghiên cứu lịch sử, danh nhân trong lúc dịch bệnh

Trau dồi kiến thức chuyên môn

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, từ ngày 1-15.4, các di tích trong tỉnh cho nhân viên làm việc tại nhà để phòng chống dịch Covid-19 hoặc chỉ đến cơ quan trực theo yêu cầu của lãnh đạo. Với những người làm nhiệm vụ thuyết minh tại các di tích, đây là "thời điểm vàng" để họ trau dồi thêm kiến thức, hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ.

Mỗi tuần, Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng giao ca cho các thuyết minh viên trực 50% thời gian tại di tích, 50% được ở nhà nghiên cứu lịch sử. Chị Phạm Thị Thu Huyền, thuyết minh viên của Ban quản lý cho biết kiến thức lịch sử về danh nhân, di tích rất rộng. Dù đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu nhưng chị vẫn chưa nắm được hết thông tin liên quan đến gia đình, những câu chuyện xung quanh cuộc đời của các nhân vật được thờ tại di tích... Bình thường công việc tại di tích khá bận rộn, tối về nhà lại phải tranh thủ chăm sóc con cái nên chị có rất ít thời gian nghiên cứu sâu về di tích và các nhân vật lịch sử. Từ khi di tích tạm thời dừng đón khách để phòng chống dịch Covid-19, chị Huyền có nhiều thời gian hơn để thực hiện việc này. Mỗi ngày chị dành ra khoảng 2 tiếng để đọc một số cuốn sách lịch sử viết về các tiến sĩ nho học Hải Dương, cuộc đời các vị đại khoa... Nhờ đó chị đã trau dồi thêm được khá nhiều kiến thức quan trọng, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chuyên môn. "Đọc mới vỡ vạc thêm nhiều thông tin hay. Hiện tôi còn kết hợp đọc những cuốn lịch sử khác để giúp một số dòng họ ở
Nam Sách, Thủy Nguyên (Hải Phòng) tìm hiểu về nguồn gốc tổ tiên", chị Huyền nói.

Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn có 6 thuyến minh viên. Từ khi di tích tạm thời đóng cửa vì dịch Covid-19, họ được đơn vị giao ca trực tại một số điểm di tích như đền Cao, chùa Nhẫm Dương, động Kính Chủ... Ngoài tham gia dọn vệ sinh, lau chùi, bao sái ban thờ, các nhân viên thuyết minh dành phần lớn thời gian để nghiên cứu thêm về lịch sử, nhân vật thờ tại di tích. Nhân viên thuyết minh trực tại điểm di tích nào thì có nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử về di tích đó. Lãnh đạo đơn vị sẽ kiểm tra kiến thức của tất cả các nhân viên.

Trước đây, mỗi tháng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc mới tổ chức một buổi tọa đàm khoa học nghiên cứu về di tích và các nhân vật liên quan. Nhưng từ khi di tích đóng cửa vì dịch, mỗi tuần đơn vị tổ chức một buổi tọa đàm nhưng theo quy mô phòng để tránh tập trung đông người. Các nhân viên thuyết minh nghiên cứu, trao đổi thông tin, góp ý cho nhau qua Zalo nhằm hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ. Đơn vị không yêu cầu các nhân viên đến cơ quan hằng ngày nhưng thời gian ở nhà vẫn phải nghiên cứu lịch sử. Mỗi người sẽ đăng ký một đề tài nghiên cứu với nội dung về các danh nhân được thờ tại di tích, các nghi thức trong lễ hội bị thất truyền, khảo tả diễn trình, thần tích, trang phục, âm nhạc liên quan đến 36 giá đồng... và báo cáo tiến độ, kết quả nghiên cứu mỗi tuần một lần qua hòm thư điện tử, Facebook hoặc Zalo. Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chia sẻ: "Đây là "thời điểm vàng" để mỗi cán bộ, nhân viên chúng tôi trau dồi thêm kiến thức. Những thông tin, kiến thức mới có được sẽ góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn. Riêng tôi trong thời gian này cũng đang tập trung hoàn thiện 2 cuốn sách giới thiệu tổng quan di tích Côn Sơn và Lễ hội truyền thống đền Kiếp Bạc".

Có thời gian chăm sóc gia đình

Khi chưa có dịch Covid-19, nhân viên thuyết minh tại các di tích thường rất bận rộn với công việc. Đặc biệt vào dịp lễ hội đầu xuân, những người làm nghề này gần như dành hết thời gian cho công việc, rời khỏi nhà từ sáng sớm và về nhà khi đã tối muộn. Hiện nay, họ chỉ phải trực ở cơ quan một nửa số ngày trong tuần, thời gian còn lại ở nhà nghiên cứu lịch sử.

Chị Nguyễn Thị Trang, thuyết minh viên Ban Quản lý di tích Kinh Môn cho biết ngoài những lúc đọc sách lịch sử, chị dành thời gian chơi, tâm sự với chồng con, nấu những món ăn cả nhà cùng thích. Tình cảm giữa các thành viên trong gia đình cũng vì thế thêm yêu thương, gắn bó. "Con tôi bắt đầu vào học trực tuyến. Chồng vẫn đi làm, ông bà không am hiểu công nghệ nên được nghỉ thế này giúp tôi có thời gian hướng dẫn, hỗ trợ con học tập", chị Trang chia sẻ.

Các con của chị Phạm Thị Thu Huyền, thuyết minh viên Ban Quản lý di tích Cẩm Giàng rất vui mừng khi mẹ ở nhà nhiều hơn. Chị Huyền cho biết: "Chồng tôi làm việc ở xa, ít khi ở nhà. Tôi lại bận suốt nên các cháu thiếu thốn tình cảm. Mấy hôm nay tôi ở nhà dạy tụi nhỏ học, nấu ăn". Ngoài nghiên cứu lịch sử, chị Huyền còn bán hàng online kiếm thêm thu nhập. Chị khoe đang viết một bài báo về các tiến sĩ huyện Cẩm Giàng qua hệ thống văn bia để gửi cộng tác với báo.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Thời điểm vàng" của thuyết minh viên