46 năm đã trôi qua từ ngày 30.4.1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, âm hưởng của Đại thắng mùa xuân vẫn còn vang vọng đến hôm nay, còn náo nức lòng người, đặc biệt là trong thi ca.
Người dân Sài Gòn chào đón bộ đội giải phóng ngày 30.4.1975
Bản giao hưởng của ngày toàn thắng có nhiều cung bậc khác nhau, bè trầm, bè bổng nhưng tất cả đều hội tụ cộng hưởng vào cái thời khắc thiêng liêng của lịch sử khi chiếc xe tăng quân giải phóng hất tung cánh cửa dinh Độc Lập - thành lũy cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Khi mà “Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy/Dồn dập tim ta trăm trận thắng bừng bừng” trong cái khí thế: “Lịch sử sang xuân, anh vào trận cuối cùng/Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo quân đi cuồn cuộn” và “Pháo hãy gầm lên, đỏ nòng bắn thẳng/Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn” (Tố Hữu) để tự hào ca vang điệp khúc: "Toàn thắng về ta!". Cái cảm giác kỳ diệu ấy cứ lâng lâng, rạo rực lòng người với sự đổi thay đến bất ngờ. Dường như không kìm nén được xúc cảm của mình, nhà thơ Bằng Việt đã thốt lên những câu thơ từ tiếng lòng mộc mạc mà sâu lắng trong ngày 30.4 năm ấy: “Đi giữa phố, khóc cười như trẻ nhỏ/Cái giây phút một đời người mới có/Thật đây rồi, vẫn cứ nghĩ như mơ...”. Một chiến thắng kỳ vĩ như một huyền thoại, lung linh như một giấc mơ.
Các địa hình chiến trận đã được xích lại gần nhau trong một trận đánh hiệp đồng quân binh chủng hiện đại. Và chỉ có trái tim người chiến sĩ Giải phóng quân đã trải qua bao trận mạc, qua những cánh rừng Trường Sơn mới cảm nhận được cái tiếng ve da diết trong những rặng cây Sài Gòn ngày toàn thắng. Cũng như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm năm nào đã viết: “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”. Chỉ một tiếng ve thôi mà xua đi bao ám ảnh chiến tranh, bao khốc liệt chiến trận. Vương Trọng cũng đã kịp nhận ra hình ảnh cô giao liên Trường Sơn năm nào nay đang bước đi trên đường phố Sài Gòn: “Vẫn nguyên vành mũ lá sen/Vẫn đôi dép lốp vốn quen đường rừng/Vẫn quân phục cũ nửa chừng/Dáng em không lẫn giữa rừng người chen”. Một thi sĩ người lính khác trong đoàn quân vào giải phóng Sài Gòn - nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, trong niềm vui dạt dào âm vang bao cộng hưởng đã sử dụng hàng loạt điệp từ “tháng tư” nhằm khẳng định niềm tin bất diệt vào thời khắc lịch sử tạo bước ngoặt lớn cho dân tộc: “Tháng tư này tôi là người cầm cờ/Tôi là người lái tăng, tôi là anh pháo thủ/Tôi là nỗi chia ly, tôi là niềm đoàn tụ/Lòng muốn nhân lên khi đến với Sài Gòn”.
Có thể nói đường tới Sài Gòn ngày 30.4 là chặng đường đấu tranh ác liệt để đến ngày toàn thắng. Trong ngày vui ấy, lòng chúng ta không khỏi bồi hồi nhớ đến miền Bắc hậu phương lớn đã chắt chiu từng hạt gạo, đã gửi gắm những đứa con thân yêu của mình, cùng chia lửa với miền Nam ruột thịt. Người lính thiết giáp Hữu Thỉnh đã dựng lên tâm hồn của người chiến sĩ thật trung thực, chân thành và cảm động: “Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng/Đêm còn lạnh ở ngoài ta, đấy bạn/Ngoài ta độ nay đang giáp hạt/Cây rơm gầy xay giã cũng thưa đi/Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng/Một nửa nhân dân ngày mai ta nhận mặt/Nhân dân trở về từ bên kia mặt trăng/Lại vằng vặc những bến bờ thương nhớ” (Đường tới thành phố).
Có thể nói trận toàn thắng mùa xuân 1975 là sức mạnh tổng hợp, là cao trào của một quá trình lâu dài hội tụ sức mạnh của toàn dân tộc đã chứng minh hùng hồn nhất ý chí, tinh thần quật cường, khát khao thống nhất đất nước bằng tất cả nội lực tiềm năng của mình như câu thơ của Bác Hồ dự báo trước đó: “Bỗng nghe vần thắng vút lên cao” và "Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Niềm tin tất thắng sâu sắc ấy trong trận đánh cuối cùng, quân và dân ta đã làm nên một cơn lốc hùng vĩ. Khí thế ào ạt đó tràn cả vào thơ Phạm Tiến Duật: “Khi lên xe ta chưa quen nhau/Lúc xuống xe ta đã thành bè bạn/Ta tựa lưng vào bốn năm tấn đạn/Chúng ta đi đường dài/Mấy trăm xe và mấy trăm người/Nhằm mặt trận tiến vào như cơn lốc/ Những trái tim xếp theo hàng dọc/Suốt đường dài hồi hộp biết bao nhiêu” (Chim lạc bay). Và thật đẹp, lãng mạn biết bao khi những người lính đã hẹn nhau, gặp nhau trong ngày vui đất nước giải phóng: “Đoàn quân vẫn đi vội vã/Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa/Chào em cô gái tiền phương/Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” (Nguyễn Đình Thi - Lá đỏ). Một vẻ đẹp vừa hùng tráng, vừa say đắm thiết tha sau này được âm nhạc cất cánh thành ca khúc trữ tình nổi tiếng.
Rồi đây những thước phim tư liệu chân thực, những tấm ảnh ghi nhanh sinh động sẽ bổ sung thêm các tình huống xúc động này, nhưng chỉ có thơ mới nói được tiếng lòng, mới thổn thức rung động, mới chia sẻ tâm tình, mới lan tỏa yêu thương cộng cảm. Ngày 30.4 giải phóng Sài Gòn trở thành bản giao hưởng chiến thắng sau những tháng năm hành quân chiến đấu quật cường với bao mất mát, bao nhiêu máu, mồ hôi đổ xuống. Cái giá của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước vô cùng to lớn. Có phải vì thế mà khi được thưởng thức một đêm nhạc giao hưởng giữa Sài Gòn giải phóng, trái tim nhạy cảm của người lính thi sĩ Anh Ngọc lại xao xuyến rung lên những cung bậc sâu thẳm: “Cát bụi đường xa khẩu súng ngọn cờ/Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/ Bổng trầm cung bậc tìm nhau”. Ôi tinh thần hòa hợp dân tộc ngay từ phút giây đó đã tìm được tiếng nói chung xúc động biết bao.
Trong ngày vui toàn thắng, chúng ta lại bồi hồi nhớ vị lãnh tụ kính yêu. Hòa chung với âm hưởng của hành khúc, ca khúc: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, lòng mỗi người ai cũng lắng lại trong giây phút hân hoan của lịch sử để nhớ về Bác Hồ trong thơ Tố Hữu: “Cho chúng con giữa vui này được khóc/Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già/Như lòng Bác mỗi khi Bác đọc/Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhòa”. Thưa Bác! Trưa 30.4 mãi mãi sẽ đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi nhất trong thiên anh hùng ca dựng nước và giữ nước: “Ôi! buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa” (Tố Hữu - Toàn thắng về ta).
NGUYỄN NGỌC