Những dòng sông cùng chảy là tập thơ chung của năm nhà thơ: Hà Cừ (nguyên Tổng Biên tập báo Hải Dương), các cộng tác viên của Báo trong nhiều năm qua: Tô Ngọc Thạch, Vũ Thành Chung, Kim Chuông và Trọng Khánh. Ấn phẩm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2010. Lời giới thiệu tập thơ đã nói rõ: Năm nhà thơ, năm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm gương mặt, năm giọng điệu làm nên "Những dòng sông cùng chảy"...
Trong bối cảnh thơ Việt Nam hôm nay phát triển khá mạnh mẽ, ngày nào cũng có thơ mới xuất bản, tập thơ của năm nhà thơ vùng Hải Dương - Hải Phòng - Thái Bình đưa lại cho độc giả những dấu ấn tương đối đặc sắc. Đó là năm dòng sông, nhưng không hòa vào nhau, mà mỗi dòng sông lại mang bản sắc riêng.
Nhà thơ Hà Cừ nổi lên như một tâm hồn đằm thắm, chiêm nghiệm giữa cuộc đời đầy biến động. Ai cũng biết ông từ một miền quê rất đặc trưng của Hải Dương, lên lập nghiệp ở thành phố tỉnh lỵ. Hai bài thơ đặc sắc của ông mang dấu ấn đó: Chợ quê và Nhà tôi ở phố. Có thể nói không ngoa rằng đây là những bài thơ đưa ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chợ quê con tép cũng gầy, Con cua con cá dính đầy bùn tươi, Mớ rau muống, mớ mùng tơi, Quả bầu quả bí nói lời gió sương... (Chợ quê). Cái từ "gầy", "bùn tươi", "lời gió sương" đã khẳng định một khả năng cảm thụ và bộc lộ trong thi ca của Hà Cừ. Ông ngồi ngắm nhìn phố Cầu Dồi (TP Hải Dương) mà nhận ra một sự đổi thay đến nao lòng: Bao người đời bỗng sang trang/ Váy dài váy ngắn xênh xang nụ cười/ Tôi ngồi, lòng nhớ tháng mười/ Ngổn ngang thương phố, thương người nhà quê (Nhà tôi ở phố). Chỉ với tâm hồn thi sĩ và con mắt nhà báo, Hà Cừ mới viết được những bài như Lời bào chữa cho hoa hồng và Danh thiếp.
Kim Chuông là một nhà thơ tài hoa. Hầu như "nhân vật" trong thơ của ông chỉ là "tôi" và "em", ngoài ra có bạn bè thân thiết. Ông có thơ tặng bạn, đề rõ tên (Hà Cừ, Trọng Khánh...), nhưng là sự lắng đọng của bao nhiêu người bạn mới dồn nén lên cảm xúc ấy. Đặc biệt là tình yêu giữa "tôi và em". Có các bài rất da diết: Tôi và em, Ngàn năm, Thơ vui tặng em, Em xưa... Với người yêu thì: Này em, thôi nói chi nhiều/ Bởi con tim biết cái điều lặng im (Bây giờ, này em). Với bạn thì: Ta yêu bạn đến thế thì/ Nên ta muốn bạn cái gì cùng ta (Gửi Hà Cừ)... Câu thơ của ông thật da diết:
Nhớ em. Nhớ bạn. Nhớ nhà
Bạn ơi, ta sống được là có nhauTô Ngọc Thạch, Vũ Thành Chung, hai nhà thơ đất Cảng, đều giống nhau ở gốc rễ hội tụ, đằm sâu trong tâm thức những người con xa quê nhưng luôn đau đáu về quê cha đất tổ. Dĩ nhiên, mỗi người có một tiếng nói riêng và chính vì vậy mà làm nên sắc thái của riêng mình. Tô Ngọc
Thạch tìm về cái riêng từ những cái chung:
Vịn giấc mơ lần bờ thời gian tìm về sông Hóa
Câu đồng dao chằng tôi vào quá khứ
Phù sa nồng thơm tuổi học trò. (Sông Hóa)
Ông viết về các bạn thơ, về người và vùng đất ông đã đi qua, như mơ mà như thực. Vì thế mà có những bài như Hồn chiêm bao, Vườn địa đàng, Uống cạn Xibiri... Còn như Vũ Thành Chung, ông quan niệm "Thơ là sự cộng hưởng của thiên bẩm với cảm xúc trái tim. Nếu trái tim bất thiện thì không có thơ hay". Với cảm xúc trái tim như thế, ông đã thể hiện trong một loạt bài: Thi hứng, Các anh lên sông Đà, Mát-xcơ-va tình yêu của tôi, Tản mạn thành Nam... Bài Làng Vũ Đại tôi về, một bài thơ lục bát giàu thi tứ, nhiều cảm xúc, pha trộn cả xưa (trong truyện của Nam Cao) và nay, đang bề bộn cuộc sống thời đổi mới.
Về làng Vũ Đại chiều nay
Lối xưa như thể cầm tay dắt vào
Trăng vầng lấp ló cầu ao
Chuối xanh vườn gió lao xao mấy hàng...
Làng Vũ Đại đã khác. Chí Phèo nghe nói buôn chai/ Dăm ba cút rượu dông dài ngõ quê. Còn Thị Nở thì sao? Mơ màng vườn chuối la đà/ Cháo hành thị Nở thơm qua yếm đào. Tác giả chỉ còn biết "Chắp tay vái bác Nam Cao!".
Nhà thơ thứ năm trong tập thơ là Trọng Khánh một người có "duyên thầm". Bài thơ Người đánh trống trường của ông từng được giải thưởng cao trong cuộc thi thơ của Báo Giáo dục - Thời đại năm 1985-1990. Ông còn có nhiều bài thơ thành công về lĩnh vực giáo dục như Gửi em đi học nước Nga, Bụi phấn, Đ.I.Men-đê-lê-ép..., tất cả đều vượt ra khỏi khuôn khổ một ngôi trường mà đau đáu sự đời. Chùm thơ lục bát hai câu của ông như những phát hiện về đời, về con người, về thế sự, nhưng rất thơ, không hề rơi vào sáo rỗng. Ví như:
Tát cho cạn nước sông Thương
Anh tìm hòn cuội em buông năm nàoHay:
Tiền Đường sông chảy ngang trời
Đưa chàng Vi Cố về nơi mơ màng...Nếu không có kiến thức và sự tìm hiểu thấu đáo, ta khó có thể cảm nhận cái đẹp, cái sâu lắng của từng câu, từng chữ trong thơ ông.
Đọc Những dòng sông cùng chảy, ta dễ dàng nhất trí với nhận định của ban biên tập nhà xuất bản: "Năm nhà thơ, trong gia sản thi ca của mỗi người, mỗi chặng đường họ có, với không gian đa diện, đa thanh, đa sắc màu... Cái được lựa chọn ở góc nhỏ này dẫu có thể chưa bộc lộ đầy đủ sự đa dạng, phong phú của mỗi tác giả, nhưng nó vẫn là họ ở lát cắt trong cái gặp, mà ta hằng trân trọng, quý yêu".
Những dòng sông cùng chảy gợi mở cho ta nhiều cảm nhận về cuộc đời mà chúng ta luôn luôn tìm hiểu, khám phá. Xin gửi lời chúc mừng đến năm nhà thơ và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
VƯƠNG BẠCH