Chú Xuân Diệu, chú tìm kiện hàng đấy à? Cháu nghe chú nói chuyện thơ nhiều lần rồi, thơ chú hay lắm.
Năm 1980, sau khi đi dự lễ kỷ niệm tôn vinh danh nhân thế giới của UNESCO về đến sân bay Nội Bài, nhà thơ Xuân Diệu đang loay hoay tìm thùng sách của mình ở phòng trả đồ thì bỗng nghe giọng nói "oanh vàng" bên cạnh mình:
- Chú Xuân Diệu, chú tìm kiện hàng đấy à? Cháu nghe chú nói chuyện thơ nhiều lần rồi, thơ chú hay lắm. Chú cứ ra ngoài trước, để cháu tìm giúp và bảo bạn cháu làm thủ tục hải quan cho nhanh. Chú cứ yên tâm, cháu thích thơ chú lắm.
Nhà thơ Xuân Diệu rạng rỡ ra mặt khi thấy một cô nhân viên trẻ xinh đẹp nhận ra mình. Nhưng bất chợt ông nhăn mặt nói như dỗi:
- Này, nhà thơ làm gì có tuổi mà chú với cháu, mà tớ không có hàng với hóa gì đâu mà trình báo. Nhớ là thùng các tông toàn thơ tình mới thơm phức đề chữ nhà thơ Xuân Diệu bằng tiếng Anh.
Nói rồi nhà thơ ôm khư khư bức tranh Nguyễn Trãi cuộn tròn, quay người đi ra cửa kiểm tra hàng hóa. Tại đây, Xuân Diệu bị nhiều nhân viên "nhận mặt", họ nhao nhao giành quyền làm thủ tục hải quan cho ông. Có người còn "giao kèo", vòi vĩnh đòi Xuân Diệu đọc thơ rồi mới "làm nhanh" thủ tục. Thấy bị "quây" khó thoái thác, Xuân Diệu dứt khoát: "Các cô các cậu ghi vào tờ khai: một thùng thơ tình, còn bây giờ để tớ rước cụ Nguyễn Trãi về nhà đã".
Không ngờ một ngày chủ nhật sau đó ít lâu, mấy nhân viên của sân bay Nội Bài trong đó có cô gái xinh đẹp nọ kéo đến nhà Xuân Diệu… đòi thơ. "Nợ này không trốn được", nói rồi Xuân Diệu làm cho cả mấy nhân viên kia "mắt chữ o, mồm chữ a" vì nghe chuyện thơ gần một tiếng đồng hồ. Khi khách gần ra về, Xuân Diệu trịnh trọng cầm một cuốn sách tương đối dày, còn mới nguyên, bọc bìa màu cứng trên bàn rồi mủm mỉm:
- Nhà tớ chỉ treo có mỗi một bức tranh cụ Nguyễn Trãi nhà ta do UNESCO tặng đem về hôm nọ. Còn đây là cuốn sách về các danh nhân do các bạn Thụy Điển in bằng giấy pơ-luya trắng mỏng và đẹp. Cuốn này mà rơi vào tay các cậu thì các cậu cuốn, đốt hết (lúc bấy giờ mọi người hay hút thuốc lá cuốn bằng giấy pơ-luya).
Nói rồi ông tiễn khách ra đến cửa. Lúc này nhà thơ của chúng ta mới chợt nhớ mình mặc nguyên bộ đồ ở nhà để tiếp khách và luôn mồm xin lỗi nhưng vẫn không quên với theo: "Nhớ nhé, thơ tình không bao giờ có tuổi".
LÊ HỒNG BẢO UYÊN(st)