Ngày 29-11, thi thể viên phi công của Nga đã được trao trả cho một đại diện ngoại giao của Nga tại Hatay.
Khoảnh khắc máy bay Nga bị bắn rơi - Ảnh: Reuters |
Theo CNN, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói rằng chính quyền Ankara đã nhận được thi thể viên phi công Nga từ tay lực lượng quân nổi dậy thân Thổ ở vùng Hatay, gần biên giới với Syria, vào tối 28-11.
Thủ tướng Davutoglu cũng cho biết theo yêu cầu của phía Nga, lễ tang được tổ chức theo nghi thức chính thống giáo cho viên phi công và trong hôm qua 29-11, thi thể viên phi công này đã được trao trả cho một đại diện ngoại giao của Nga tại Hatay.
Có nguồn tin ngoại giao tiết lộ Jordan được nhờ làm trung gian trong vụ trả thi thể viên phi công nhằm tạo “cửa mở” tháo gỡ vụ này.
Theo trang Alhayat.com ngày 29-11, cùng với động thái “hạ giọng” của chính giới Thổ Nhĩ Kỳ, đã hé lộ tin đổ lỗi qua lại giữa chính phủ với quân đội nước này về “trách nhiệm” đối với vụ bắn hạ máy bay Nga.
Lời “lấy làm tiếc” của Tổng thống Recep Erdogan ngày 28-11 có ý nói Thổ Nhĩ Kỳ không biết đó là máy bay Nga. Rồi phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói nếu biết đó là máy bay Nga thì đã không bắn hạ.
Nhưng một nguồn tin cao cấp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định với tờ báo Suzju (gần gũi với giới quân nhân) rằng “Bộ tư lệnh không quân Thổ Nhĩ Kỳ nhận biết rõ danh tính tất cả máy bay trên không phận của mình”.
Và Bộ tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định việc bắn hạ máy bay Nga là “thể theo các chỉ thị chắc chắn đã có trước từ phía chính phủ”.
Nguồn tin trên cũng phê phán việc chính phủ quá vội vàng tuyên bố ngay là “bắn rơi máy bay Nga”, trong khi quân đội chỉ muốn nói “máy bay không rõ danh tính” để “có cửa” cho sửa chữa sai lầm khi cần thiết.
Nguồn tin này cho rằng nếu các chính trị gia “học được cách im lặng như vậy” thì “chúng ta đã có thể nhanh chóng gỡ được vụ này”.
Sau sự hồ hởi ngắn ngủi của truyền thông nhà nước mấy ngày qua về vụ bắn rơi máy bay Nga, bắt đầu xuất hiện sự thay đổi cách đánh giá vụ việc.
Nay đã có những ý kiến cho rằng vụ này làm tăng thêm sự hiện diện của Nga tại Syria và cản trở sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột ở nước láng giềng này.
Bà cựu bộ trưởng phụ trách châu Âu của chính phủ tiền nhiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng “Putin đã bẫy chúng ta, đẩy chúng ta đến chỗ bắn rơi máy bay của ông ta để ông ta trục lợi”.
Trong khi đó, Hãng tin Sputnik của Nga dẫn lời một sĩ quan quân đội Syria cho biết viên phi công trên chiếc máy bay ném bom Su-24 bị bắn rơi đã được cứu sống trong chiến dịch giải cứu chung do tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds - cánh vũ trang nước ngoài của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - thiếu tướng Qassem Soleimani chỉ huy.
Sĩ quan yêu cầu giấu tên trên cho biết tướng Soleimani đã tập hợp một đội giải cứu gồm 18 thành viên tinh nhuệ thuộc lực lượng đặc nhiệm Syria cùng sáu tay súng của phong trào Hezbollah. Họ thực thi nhiệm vụ dưới sự hỗ trợ về tình báo và hoạt động trên không từ phía Nga.
Theo Hãng tin Fars của Iran, không quân Nga không kích ồ ạt nhằm đẩy lui lực lượng phiến quân, mở đường cho nhóm giải cứu phi công Nga tại khu vực do lực lượng phiến quân kiểm soát.
Theo Tuổi trẻ