Thơ Hải Dương trong dòng chảy thi ca Việt

24/09/2016 08:13

Nhìn lại một chặng đường văn học Hải Dương, xin được trình bày đôi nét riêng về thơ. Đó là một chi lưu vẫn nằm trong dòng chảy của thi ca Việt.

Các nhà thơ vẫn tiếp nối đầy trách nhiệm công dân của thơ kháng chiến, vừa là sự bù đắp, bổ sung cho những gì mà nhà thơ lớp trước chưa viết ra được. Bi thương, mất mát vẫn còn đó, nhưng thái độ người cầm bút điềm tĩnh hơn, bởi đã có độ lùi cần thiết để nhìn nhận lại. Đặt chân lên vùng cát trắng nơi chiến trường xưa, nhà thơ vẫn thấy rợn người về một màu đỏ năm nào, không được phép quên đi:

Tôi đã thấy máu loang cát trắng
Và máu càng đỏ thắm, em ơi!
Một vùng cát trắng trắng trời
Nôn nao nỗi nhớ một thời Vĩnh Linh


(Nguyễn Ngọc Bội)


Nhà thơ khắc khoải trước hình ảnh người chị của mình sau chiến tranh:

Cây rau răm chẳng về trời
Chị sao vẫn giặt áo người năm xưa
Chuyện tình mòn gió trôi mưa
Còn chi đọng một giấc mơ xế chiều


            (Tiêu Hà Minh)


Kẻ thù bất chấp luật pháp quốc tế vẫn đang rình rập biển đảo, một phần không thể tách rời của đất nước thân yêu. Nhà thơ dù đang sống giữa nơi bình yên nhất, vẫn thấy trong tim mình dội lên ngọn sóng:
Hình như mây ngũ sắc

Đang vắt ngang Tây Hồ
Rùa nghìn năm thao thức
Biển Đông gầm sóng xô

        (Bùi Hải Đăng)


Thơ luôn bằm sâu vào cuộc sống và từ đó vẫn phát huy thế mạnh của thơ truyền thống. Hình ảnh chợ quê được khắc họa tài ba và con người rời quê ra phố vẫn vẹn nguyên nét quê, qua thơ Hà Cừ:

Chợ quê con tép cũng gầy
Con cua con cá dính đầy bùn tươi.


Và:

Bỗng thành ngọn cỏ bơ vơ
Bỏ làng ra phố đến giờ chưa xong
Gánh ngày gánh tháng long đong
Ngón chân cứ tõe, áo nồng mồ hôi.
Và rồi, như thơ Phạm Trọng Tuấn tức tưởi:
Tôi mồ côi nỗi nhớ chờ mong
Rong rêu mắt dại chìm trong ngõ chiều


Nhưng không chỉ có vậy. Những mảng sáng về nông thôn mới, các khu công nghiệp, cả vừng sáng đô thị hôm nay đã in dấu trong nhiều tác phẩm thi ca. Nguyễn Ngọc San viết về huyện Thanh Hà, nơi từng đón nhận tác phẩm Đường kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những năm 30 thế kỷ trước. Từ ấy, Thanh Hà đã đi theo Đường Sáng, như tên tập trường ca đã viết. Cho đến hôm nay:

Mẹ ta vẫn lặn lội đồng sâu
Em ta nâng niu nhánh mạ
Trong mơ như hiện về quá khứ
Đói nghèo ơi
Xin gửi lại ngày xưa
Con thuyền vui cập bến sông Gùa
Cầu Hợp Thanh ngả mình trên sóng
Đầy sông tiếng còi vang vọng
Những ăm ắp đoàn tàu
Sông ơi có nhớ về xưa sau
Bến này Khóa Nam tuẫn tiết
Bến này ca nô giặc Pháp
Cháy đỏ trời một thuở chưa xa
Đường Kách Mệnh sáng từng mạch đất
Thanh Hà ơi ngày ấy có Bác Hồ...


Những dòng thơ nhuần nhị, nhiều tìm tòi trên nền cảm xúc chân thật, neo mãi trong lòng bạn đọc.

Tuy nhiên, cũng có người sáng tác theo xu hướng cách tân, đang cố chứng minh thơ hiện đại như là một sự lựa chọn để đổi mới thơ hôm nay. Người ta muốn hướng tới một trật tự thơ mới, nhưng xem ra vẫn chưa định hình. Thơ Thi Nguyên dường như đã có một số cố gắng để bứt phá như vậy. Bài Dạ Khúc 2, viết:

Đời sống lớn tiếng điểm danh
Cái chết không hề tái bản
Cỏ cây gần gũi với nỗi đau
Con người gần với tro bụi hơn tượng đài
Ngày mai trên thể chế của cái chết bi ai
Vẫn lượn bay một bình minh vĩ đại.


Còn đây là bài Đêm không trăng:

Đêm đã ngấu men ngả vào lòng người bình yên dịu lành. Có phải trăng chưa qua tuổi ba mươi nên trăng bất tử. Ngày mai tôi bước sang tuổi tôi già hơn cả trăng ư. Vầng trăng đêm say khướt. Tôi sẽ đi tìm trăng cho đêm hay tìm đêm cho trăng?

Tác giả cứ "đi tìm". Chúng ta cứ chờ đợi sự "đi tìm" ấy.

Thơ là phiên bản của tâm hồn, nên thơ Việt chính là tâm hồn Việt. Phát huy giá trị tinh hoa thơ dân tộc là quá trình sáng tạo, làm hay hơn nữa những bản sắc, giá trị ấy. Trong tập thơ Dưới tán cây xanh, tôi đã gửi trọn lòng mình với hồn quê hương, với những hình ảnh, với những câu chuyện, cả những tâm tình đã neo vào tâm trí tôi từ ngày còn thơ dại. Để kết thúc bài viết này, xin đọc lại một bài thơ ngắn trong tập thơ, có nhan đề là Trước cỏ.

Con về ôm vạt cỏ xưa
Thấm bao giông bão gió mưa những ngày...
Cỏ vấn vít, cỏ ken dày
Cỏ thì thầm những đắng cay cõi người
Chân đi khắp bốn phương trời
Thiêng liêng nguồn cội gửi nơi sinh thành
Ngả mình giữa vạt cỏ xanh
Con như ngợp giữa trong lành quê hương.


NGUYỄN HỮU PHÁCH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thơ Hải Dương trong dòng chảy thi ca Việt