Những ngày này, nông dân huyện Ninh Giang đang hối hả cấy vụ mùa. Ngoài cấy của nhà mình, nhiều người còn tranh thủ đi cấy thuê để có thêm thu nhập.
Mỗi ngày một thợ cấy thuê kiếm được 200.000 nghìn đồng tiền công
Hơn 4 giờ sáng một ngày đầu tháng 7, trời tối đen như mực, dọc theo đường tỉnh 396 đoạn qua huyện Ninh Giang và một số đường trục xã, tiếng cười đùa, nói chuyện của những người cấy thuê đã rôm rả.
Gia đình chị Phạm Thị Đán ở thôn Tiền Liệt, xã Tân Phong có hơn 5 sào ruộng. Năm nào chị cũng tranh thủ làm thật nhanh để đi cấy thuê cho các hộ trong làng, ngoài xã. Vào những ngày này, chị thường thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng, cho lợn gà ăn, rồi đạp xe đến các cánh đồng gần nhà cấy thuê.
Có gia đình “khoán trắng” cho thợ cấy, có gia đình trả tiền theo công nhật. Nếu nhận khoán, thợ cấy được trả 250.000 đồng/sào, còn làm công nhật thì 200.000 đồng/ngày. Nhiều người hài lòng về sự chịu khó, cẩn thận của thợ cấy sẽ thưởng thêm vài chục nghìn đồng hoặc gửi cho thợ vài lạng thịt.
Hiện nay, việc thuê người cấy ở nông thôn không hề đơn giản. Chị Bùi Thị Ngần ở thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên cấy hơn 9 sào ruộng. Mặc dù chồng đi làm ăn xa song mọi năm chỉ cần mình chị vừa nhổ mạ, vừa cấy trong vòng 1 tuần là xong. Năm nay chị đi làm may ở TP Hải Dương từ sáng sớm đến tối mới về nên phải thuê người cấy. Cả buổi chiều chủ nhật vừa rồi, chị đi khắp làng trên, xóm dưới để tìm người cấy thuê mà không được. Có người chỉ dẫn chị ra đường 396 tìm thợ cấy ở các vùng lân cận xuống. Chị Ngần phấn khởi: “Tìm được thợ cấy ở quê vào đúng ngày mùa là quý lắm. Cùng làm ruộng nên họ cấy cẩn thận, tích cực như nhà mình nên tôi rất yên tâm”.
Ngoài cấy thuê, ở huyện Ninh Giang còn xuất hiện phong trào cấy giúp nhau. Bà Nguyễn Thị Bẩy ở thôn Ngọc Chi, xã Kiến Quốc cho biết: “Tôi ở một mình, con cái đi thoát ly hết nên vào vụ tôi thường cấy giúp họ hàng. Nếu đi cấy thuê tôi cũng kiếm được 1 - 1,4 triệu đồng song giúp nhau cấy vài hôm cũng chẳng sao, giúp họ lúc này thì lúc khác họ lại giúp nhà mình”. Để kịp thời vụ, người dân còn áp dụng cách cấy đổi công, một vài nhà kết hợp cấy chung với nhau, cấy xong ruộng nhà này thì chuyển sang cấy cho nhà khác đến khi hết. Với cách làm này, nhiều nông dân không mất tiền thuê mà vẫn kịp thời vụ.
PHẠM LƯƠNG THIỆN