Từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 4 âm lịch, nhiều người ở thôn Tiền Liệt, xã Tân Phong (Ninh Giang) lại chuẩn bị đồ nghề rong ruổi khắp các cánh đồng trong và ngoài tỉnh để câu lươn.
Anh Thái vui mừng khi bắt được lươn chỉ sau vài phút nhử mồi
Anh Nguyễn Hồng Thái (47 tuổi) là một trong những thợ câu lươn kỳ cựu ở thôn Tiền Liệt. Từ nhỏ, khi còn chăn trâu ở cánh đồng làng anh Thái đã câu được nhiều lươn nhưng đến năm 2010, anh mới chuyển hẳn sang nghề này.
Thợ câu lươn thường đi lẻ hoặc theo tốp từ 2-3 người. Họ đi quanh các cánh đồng trong xã hoặc sang các huyện lân cận như Thanh Miện, Gia Lộc, có khi sang cả tỉnh Hưng Yên, Thái Bình để săn bắt. Bộ đồ nghề của thợ câu lươn cũng rất đơn giản, chỉ với một chiếc thùng, ít mồi giun hoặc ruột gà và lưỡi câu được làm từ dây thép buộc vào đoạn dây cước. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cần đi thêm đôi ủng cao su đề phòng rắn cắn và tránh mảnh sành, vỏ ốc găm vào chân.
Tờ mờ sáng hoặc đầu giờ chiều, các tốp thợ câu tập trung ở đầu làng để cùng đi. Họ thường chọn những con kênh nội đồng hoặc khu ruộng có đất sét, phù sa dẻo vì nơi đó lươn thường trú ngụ.
Anh Nguyễn Văn Sáng (35 tuổi) làm nghề câu lươn cũng nhiều năm cho biết: “Ở những khu ruộng khô, chỗ ở của lươn là lỗ nhỏ có đường kính khoảng 3-4 cm, bề mặt nhẵn, thò tay vào có ốc bươu vàng ở đầu lỗ. Còn ở ruộng có nước, miệng lỗ lươn có lớp đất màu trắng hoặc màu gan gà đùn lên như giun đào, bọt trắng xuất hiện trên mặt nước, chạm tay vào bọt thấy nhớt. Thường thì lỗ lươn dưới bùn sẽ thông với một lỗ ở ven bờ”.
Đầu tháng 2 âm lịch, lươn vào mùa sinh sản rất đói mồi nên dễ câu. Phát hiện lỗ lươn, người câu nhẹ nhàng dùng tay làm rộng miệng lỗ, bứt sạch cỏ, vỏ ốc và đào men theo miệng lỗ đến khi thấy lỗ lươn ăn sâu xuống bùn.
Sau đó người bắt bò người hoặc ngồi xổm khom lưng trên bờ rồi dùng tay giữ chặt sợi dây cước có mắc lưỡi câu và mồi nhử ở miệng lỗ. Đánh hơi thấy mồi, lươn bò ra đớp mồi và mắc lưỡi câu. Da lươn trơn nhớt nên mỗi khi câu được lươn anh Thái và các thợ câu phải dùng ngón trỏ, ngón giữa ghì chặt bụng lươn vào ngón cái để không bị tuột. Thông thường thời gian để câu được một con lươn trong lỗ từ 1-5 phút.
Anh Thái cho biết mỗi ngày anh câu được 2-5 kg lươn đồng, con nhỏ nhất nặng khoảng nửa lạng, con to tới nửa cân. Lươn đồng có màu nâu hay vàng nhạt, thịt thơm, chắc hơn lươn nuôi. Với giá bán từ 200.000-300.000 đồng/kg, mỗi ngày thợ câu lươn có thể thu nhập trên dưới 1 triệu đồng.
Trước đây, thôn Tiền Liệt có hơn 100 người đi câu lươn, nhưng nay chỉ còn khoảng 30-40 người bởi lươn trong môi trường tự nhiên không còn nhiều như trước do ảnh hưởng của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, môi trường ô nhiễm...
LƯƠNG THIỆN