Thông qua tác phẩm viết về đề tài lịch sử, công chúng thêm tự hào, yêu quý những nhân vật lịch sử gắn bó với mảnh đất mình sinh ra...
Tọa đàm sáng tác văn học về đề tài lịch sử do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức tháng 6 vừa qua
Lịch sử là chất liệu phong phú trong sáng tác các tác phẩm văn học. Nhưng để viết được các tác phẩm văn học về đề tài này buộc người viết phải nghiên cứu về giai đoạn lịch sử, nhân vật lịch sử mình định viết rồi dụng công hư cấu…Vô số trở ngại khiến mảng văn học viết về đề tài lịch sử ở tỉnh ta còn thiếu vắng.
Lớp trẻ ngại viết về lịch sửĐiểm các tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử của các cây bút tỉnh nhà qua các thời kỳ thấy đọng lại: “Phá vây”, “Hoa Vạn Thọ” của nhà văn Phù Thăng; những truyện ngắn lịch sử của các tác giả Khúc Hà Linh, Văn Duy, Nguyễn Long Nhiêm, Khúc Kim Tính viết về nhiều nhân vật lịch sử gắn với mảnh đất Hải Dương như Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An... Trong đó, một số tác phẩm điển hình như “Bà chúa Sao Sa” của tác giả Khúc Kim Tính được trao giải nhì mảng văn xuôi (không có giải nhất) của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn lần thứ VI (năm 2011); “Mùa lúa trổ đòng”, “Người con gái sông Kinh Thầy” của tác giả Đỗ Thị Hiền Hòa trao giải C Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn lần thứ V, VI. Đặc biệt, mảng văn học viết về đề tài lịch sử của tỉnh ta có một niềm vinh dự lớn cố nhà văn Phù Thăng là một trong số 38 tác giả khối văn học được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2012 với tác phẩm "Phá vây".
Những tác phẩm viết về đề tài lịch sử của các cây bút tỉnh nhà đã làm đa dạng, phong phú thêm văn học địa phương. Thông qua đó, công chúng hiểu biết và thêm tự hào, yêu quý những nhân vật lịch sử gắn bó với mảnh đất mình sinh ra. Tuy nhiên có quá ít các tác phẩm viết về đề tài này. Ông Phạm Văn Duy, Trưởng Ban Văn xuôi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhận định: Lịch sử Hải Dương rất phong phú nhưng văn xuôi về đề tài lịch sử từ xưa đến nay chưa nhiều và hầu hết viết về lịch sử cận đại và đương đại (thời kỳ và những sự kiện người viết có thể được chứng kiến hoặc tham gia như kháng chiến chống Mỹ, Pháp, thời kỳ bao cấp). Chỉ có rất ít tác phẩm về lịch sử trung đại như tiểu thuyết “Bà chúa Sao Sa” của tác giả Khúc Kim Tính, tập truyện “Vinh quy” của tác giả Khúc Hà Linh và lác đác vài truyện ngắn khác có pha chút lịch sử.
Tác giả Khúc Kim Tính chia sẻ: Khi dự định viết tác phẩm “Bà chúa Sao Sa” ngoài nghiền ngẫm chọn đề tài tôi còn tìm đọc rất nhiều các sách có liên quan đến lịch sử Việt Nam, lịch sử Trung Quốc, phong tục tập quán, tôn giáo, địa lý hành chính qua các thời kỳ, quan chế, các cuốn truyện lịch sử và huy động cả những kiến thức văn học lịch sử đã đọc từ tấm bé. Đồng thời tôi còn đi thăm các đền chùa trong tỉnh, trong nước, đặc biệt đến thăm đền bà Sao Sa tại Chí Linh, nghiên cứu các tài liệu ghi chép về bà như bia ký, sắc phong...
Nhà văn Khúc Hà Linh cũng cho rằng: Hải Dương là đất văn hiến và khoa bảng. Từ ngàn xưa đã xuất hiện nhiều danh nhân, danh tướng nổi tiếng trong sử sách, mỗi nhân vật sự kiện là những áng văn chương... Viết về những đề tài này thường có hai xu hướng: Một là tái hiện hình ảnh chân thực về lịch sử. Hai là mượn lịch sử để suy ngẫm, lý giải, triết lý về lịch sử theo cách nhìn hiện đại, rồi dự báo, cảnh báo xã hội hiện tại từ suy ngẫm trong quá khứ. Suy cho cùng, cả hai đều là công việc khó nhọc! Khó là vì truyện là phải hư cấu, nhưng vẫn phải là lịch sử. Khó vì những nhân vật (hay sự kiện) thường đã được lưu trong sử sách, có khi còn được giảng dạy trong nhà trường, thành dấu ấn trong tiềm thức dân Việt. Thế nên, muốn gửi gắm tư tưởng của mình, triết lý về cuộc sống, nếu không vững bút, rất dễ bị kết tội là phủ nhận quá khứ, "bắn súng lục" vào quá khứ…
Nhiều tác giả cho rằng, kiến thức lịch sử hạn chế của người cầm bút chính là nguyên nhân thiếu những tác phẩm chất lượng. Sự hạn chế về kiến thức lịch sử, thiếu những tư liệu lịch sử xác thực về cuộc sống đời thường từ trang phục, nếp sinh hoạt ăn ở khiến các chi tiết trong tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử cũng trở nên gượng gạo, thiếu sinh động. Mặt khác, để viết được một tác phẩm văn học về lịch sử, người viết phải dành nhiều thời gian đọc, tìm tòi tư liệu. Tuy nhiên, giữa hàng kho sách vở ghi chép về lịch sử, không phải người cầm bút nào cũng có đủ thì giờ để đọc chứ chưa nói nghiền ngẫm để rút ra những tình tiết đắt cho tác phẩm. Ở tỉnh ta hầu như không cây bút trẻ nào tham gia viết về văn học đề tài lịch sử. Ngoài ra vấn đề in ấn, phát hành sách khó khăn cũng là nguyên nhân khiến mảng đề tài này bị bỏ qua.
Thiếu nhi muốn đọc tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử của tác giả trong tỉnh cũng khó. Ảnh: Mai Anh
Cần một đòn bẩyTác phẩm viết về đề tài lịch sử chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn học. Thiếu tác phẩm văn học chất lượng cao chính là món nợ của người cầm bút với lịch sử, với công chúng.
Trong thời gian qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với chủ đề văn học viết về đề tài lịch sử. Cùng với đó, từ đầu năm 2013, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã mở cuộc thi viết truyện ngắn về đề tài lịch sử trên tạp chí Văn nghệ Hải Dương. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo các cây bút trong và ngoài tỉnh.
Ngoài các giải pháp tích cực của đơn vị chủ quản, để mảng văn học viết về đề tài lịch sử có những chuyển biến tích cực, người cầm bút cần không ngừng rèn dũa để am hiểu thêm về văn hóa dân tộc mình. Người viết cũng phải biết yêu, tôn trọng lịch sử đất nước, từ đó để tâm nghiên cứu, khám phá lịch sử để đưa vào văn học. Ngoài chức năng giải trí, đối tượng phục vụ của văn học lịch sử là công chúng. Bởi vậy, khi sáng tác, người cầm bút cần tôn trọng sự thật, tránh bôi nhọ hoặc làm sai lệch lịch sử. Nhà văn Khúc Hà Linh kiến nghị: Tỉnh Hải Dương cần có một hình thức khuyến khích như mở trại sáng tác chuyên đề, ký hợp đồng, ứng nhuận bút trước để anh em đi thực tế nghiên cứu, tổ chức hội nghị phản biện… Có những cuộc thi riêng, có chế độ khen thưởng, hằng năm ra sách; tổ chức hội thảo, quảng bá những tác phẩm trước công chúng. Tỉnh cũng cần có chế độ “đặt hàng” các tác phẩm văn học về đề tài lịch sử để công chúng có cơ hội được thụ hưởng các thành quả văn học về lịch sử...
NGỌC HÙNG