Thiếu và chưa đồng bộ

29/11/2014 06:15

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành y tế ít, lại chưa đồng bộ nên quản lý việc khám, chữa bệnh đã nảy sinh nhiều bất cập.



Ứng dụng phần mềm quản lý giúp việc khám, chữa bệnh ở Bệnh viện Nhi Hải Dương thuận lợi hơn

Nhiều tiện ích

9 giờ sáng ở Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc, máy tính của phòng tiếp nhận bệnh nhân đã hiển thị đến số 183. Dù lượng bệnh nhân đến khá đông nhưng ở tất cả các khoa, phòng khám, mọi người đều xếp hàng ngồi chờ, không có cảnh chen lấn. Bác Hoàng Đình Hưng ở thị trấn Gia Lộc hôm nay đến khám bệnh cho biết: "Từ khi bệnh viện sử dụng hệ thống máy tính vào làm việc, tất cả mọi thứ từ tên, tuổi, số thứ tự, yêu cầu khám ban đầu... được bác sĩ nhập vào máy nên chúng tôi thấy rất yên tâm. Mọi người ai cũng vui vẻ ngồi chờ đến lượt mình mà không sợ xảy ra tình trạng chen lấn, thiên vị. Đơn thuốc in từ máy cũng dễ đọc, dễ nhớ, bệnh nhân không còn lo mua nhầm hoặc uống thuốc không đúng liều lượng do chữ bác sĩ quá xấu không dịch được. Việc thanh toán bảo đảm công khai, minh bạch, không sợ xảy ra sai sót nhầm lẫn".

Có được sự hài lòng của người bệnh như vậy là do Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc đã đưa phần mềm quản lý bệnh viện BVST30 vào sử dụng từ tháng 9-2013. Hệ thống máy tính chuyên dụng được trang bị đồng bộ đến từng khoa, phòng. Người bệnh đến khám được nhập dữ liệu vào máy và phân loại phòng khám ban đầu. Tại mỗi cửa phòng khám đều có bảng điện tử tự động hiện tên của người bệnh đến lượt khám. Đối với những bệnh nhân phải điều trị nội trú, bác sĩ sẽ chỉ định giường bệnh, thông báo tình trạng bệnh tật, đồng thời thông báo đến kho dược, vật tư y tế thông qua hệ thống máy tính nội bộ để chuẩn bị và mang đến phát tận nơi cho bệnh nhân. Vì tất cả mọi dữ liệu khám và điều trị của người bệnh đều được cập nhật trên máy tính nên tất cả các khâu đều được hoàn thiện nhanh chóng, không xảy ra nhầm lẫn. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc, phần mềm quản lý bệnh viện còn giúp ban lãnh đạo nắm bắt được tất cả các khâu, quy trình khám, chữa bệnh đang thực hiện. Việc tìm lại dữ liệu liên quan đến bệnh nhân hay hoạt động của bệnh viện đều dễ dàng, nhanh chóng, không bị nhầm lẫn. Bệnh viện cũng không phải mất nhiều nhân lực, vật lực để in ấn, cất giữ và bảo quản hồ sơ người bệnh. Vật tư của bệnh viện đều được cấp phát minh bạch, không bị thất thoát.

Chưa áp dụng nhiều nơi

Tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Tiền Phong TF phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế tiến hành khảo sát sơ bộ tại các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh về hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nguồn nhân lực phục vụ và nhu cầu đầu tư. Kết quả cho thấy, việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế hạn chế, thiết bị còn  lạc hậu, không đồng bộ và trình độ hiểu biết về lĩnh vực này của đa phần nhân viên còn  yếu kém. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, mới có 10% số vị trí công tác được trang bị máy tính. Chỉ có 4 bệnh viện gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc, Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Giang và Bệnh viện Nhi lắp đặt hệ thống máy chủ. 30% số cơ sở y tế có mạng nội bộ (LAN), tuy nhiên đường truyền kém ổn định và hầu hết chưa được đầu tư đồng bộ. Dù các đơn vị đều lắp đặt hệ thống mạng internet, nhưng tại những nơi không có hệ thống máy chủ và LAN việc truy cập thông tin quản lý và phân quyền chưa hiệu quả. Việc ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện mới được triển khai thuần thục tại 2 đơn vị gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc và Bệnh viện Nhi. Toàn tỉnh chưa có quy định về tiêu chuẩn thông tin báo cáo chung (định dạng, thuộc tính) cho ngành y tế. Việc gửi, nhận và tổng hợp thông tin còn thủ công, chưa ứng dụng nhiều các tính năng CNTT. Điều đáng quan tâm nữa là hiện nay mới chỉ có 1 vài đơn vị có bộ phận chuyên trách về CNTT. Ở những đơn vị cán bộ kiêm nhiệm do không được đào tạo chuyên môn nên rất nhiều bất cập. 



Bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc sau khi bấm số thứ tự trên máy tính được
 hướng dẫn ngồi chờ, khắc phục tình trạng chen lấn trước đây. Ảnh Đức Thành


Để đưa CNTT vào ứng dụng rộng rãi trong ngành y tế vẫn còn nhiều khó khăn. Về vấn đề này, ông Phạm Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đây là việc làm cần thiết nhưng hiện nay ngành thiếu cả kinh phí đầu tư ban đầu và nhân lực. Để mua bản quyền của hệ thống phần mềm quản lý đòi hỏi các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh phải tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Mỗi năm, các đơn vị lại cần kinh phí hàng chục triệu đồng để bảo dưỡng, duy trì hoạt động. Chưa kể đến việc phải tăng thêm kinh phí, chỉ tiêu cho cán bộ phụ trách.

Cần đồng bộ hóa

Việc chưa đồng bộ hóa các ứng dụng  CNTT hiện đại vào quy trình khám, chữa bệnh, quản lý hoạt động đã gây ra không ít bất cập cho những đơn vị tiên phong. Các Bệnh viện Đa khoa Gia Lộc, Nhi hiện đều gặp khó khăn về cơ chế quản lý bởi theo quy định của Bộ Y tế thì các cơ sở khám, chữa bệnh phải lưu các dữ liệu vào sổ sách phục vụ công tác điều tra, giám sát. Các thủ tục thanh, quyết toán với cơ quan bảo biểm cũng bắt buộc phải in ra giấy, không chấp nhận sử dụng các dữ liệu trên file máy tính. Việc này vừa tốn kinh phí vừa không tận dụng được những tiện ích sẵn có của CNTT mang lại. Mã thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh in giấy thường rất dễ bị nhàu nát nên việc quẹt thẻ vào hệ thống máy cũng bất cập.

Ứng dụng CNTT tại các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh trong ngành y tế là một nhu cầu tất yếu theo hướng phát triển của xã hội. UBND tỉnh đã có chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư cho hệ thống quản lý y tế thống nhất với CNTT làm công cụ hỗ trợ. Phương pháp này cũng giúp Sở Y tế có thể thu thập, xử lý và tổng hợp báo cáo chính xác, nhanh chóng từ các bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh. Trang bị hệ thống CNTT trong bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh gồm nhiều yếu tố nhưng cần nhất hiện nay là đưa hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện vào ứng dụng. Bởi từ thực tế triển khai của Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc cho thấy đã mang lại rất nhiều tiện ích cho người bệnh và bộ phận quản lý bệnh viện, thể hiện tính văn minh, chuyên nghiệp. Vì vậy, các cấp, các ngành cần sớm chỉ đạo, hỗ trợ và khuyến khích các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm quản lý vào hoạt động; giúp các đơn vị đã, đang sử dụng phần mềm quản lý tháo gỡ khó khăn, tránh gây lãng phí, phiền hà như hiện nay. Về lâu dài, ứng dụng CNTT sẽ giúp giảm chi phí tổng thể cho ngành y tế.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu và chưa đồng bộ