Do thiếu USD trầm trọng, các bệnh viện Sri Lanka phải hoãn phẫu thuật, các chuyến bay quốc tế Nigeria bị đình chỉ, các nhà máy ô tô Pakistan buộc phải đóng cửa.
Nhiều quốc gia đang bị thiếu đồng USD trầm trọng - Ảnh: MINT
Ở một số nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất thế giới, tình hình thiếu USD thực tế rất nghiêm trọng, làm hạn chế khả năng tiếp cận mọi thứ, từ nguyên liệu thô đến thuốc men, theo Hãng tin Bloomberg.
Trong khi chờ đợi các gói giải cứu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế, các chính phủ ở đây còn phải vật lộn với các khoản nợ trong và ngoài nước.
Ông Hasnain Malik, một chiến lược gia thị trường mới nổi và cận biên tại Tellimer - nhà cung cấp công nghệ, thông tin và dữ liệu toàn cầu ở Dubai, cho biết: “Có một cuộc khủng hoảng thực sự ở những quốc gia gặp khó khăn này. Mọi thứ thậm chí còn có thể trở nên tồi tệ hơn. Các nhà đầu tư sẽ cần phải thận trọng hơn nữa trong việc sàng lọc các lỗ hổng và phân biệt rủi ro quốc gia để tránh bị bất ngờ bởi Ghana hoặc Sri Lanka”.
Tại Bangladesh, các nhà sản xuất điện đang tìm kiếm 1 tỷ USD từ ngân hàng trung ương để nhập khẩu nhiên liệu, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra.
Malawi cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu dược phẩm, phân bón và dầu diesel trong bối cảnh nhập khẩu giảm do đồng USD giảm giá.
Theo JPMorgan Chase & Co., chỉ số theo dõi khoản nợ bằng USD của những quốc gia tiền phát triển đã giảm 0,4% vào tháng 2.
Với việc đồng USD mạnh lên gần đây, các loại tiền tệ từ Ghana, Ai Cập, Pakistan và Zambia đã mất giá nhiều hơn trong năm 2023.
Điều đó khiến một số nhà quản lý quỹ đầu tư trên toàn cầu chấp nhận các cách tiếp cận thận trọng hơn, khác với tâm lý lạc quan về thị trường mới nổi đã thấy hồi đầu năm.
Ông John Marrett, nhà phân tích cấp cao tại nhóm phân tích Economist Intelligence Unit ở Hong Kong, cho biết: “Những quốc gia này đang sa lầy trong sự sụp đổ kinh tế và một số quốc gia như Pakistan đang mấp mé bờ vực của một vụ vỡ nợ khác”.
Cũng theo Hãng tin Bloomberg, chính xung đột tại Ukraine và chính sách thắt chặt mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đẩy giá đồng USD lên mức cao nhất trong nhiều thế hệ.
Điều đó đã đẩy nhiều nền kinh tế cận biên đến gần bờ vực khi giá năng lượng và lương thực tăng vọt làm cạn kiệt ngân quỹ của họ.
Theo Tuổi trẻ