Thiếu kinh phí khắc phục

08/10/2015 08:43

Do hệ thống bờ kênh Bắc Hưng Hải được xây dựng từ lâu nên nhiều đoạn đã và đang bị sạt lở. Tình trạng này khiến mặt bờ kênh nhỏ, thấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.



Bờ kè cống An Thổ bị sạt nặng chỉ còn cách chân đê 1m


Các đợt mưa kéo dài vừa qua đã khiến bờ kênh trục Bắc Hưng Hải xảy ra hàng chục sự cố gây sạt trượt 41 đoạn với tổng chiều dài 1.010 m. Trong đó, huyện Bình Giang có 13 điểm sạt trượt, huyện Gia Lộc có 10 điểm, huyện Thanh Miện có 9 điểm, huyện Tứ Kỳ 3 điểm, huyện Ninh Giang 1 điểm...

Nhằm bảo đảm an toàn cho công trình, khi các sự cố xảy ra, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Công ty Bắc Hưng Hải) đã cùng với các địa phương kiểm tra, phối hợp xử lý kịp thời một số đoạn xung yếu. Do kinh phí khó khăn nên khi xử lý các sự cố, công ty chỉ tập trung vào xử lý nhanh một số đoạn bờ  bị sạt có tính cấp bách, bảo đảm không để xảy ra các sự cố đáng tiếc, phục vụ tốt việc sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Cụ thể như đoạn kênh tại xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng), xã Phạm Trấn (Gia Lộc), xã Hùng Thắng (Bình Giang). Ngoài ra, công ty còn kịp thời phối hợp với xã Phạm Trấn tổ chức ứng cứu tại chỗ điểm sạt dài 200 m bờ kênh hữu sông Đĩnh Đào ở các thôn Quang Bị và Nam Cầu. Ông Nguyễn Xuân Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Trấn cho biết: "Do mưa lớn, bờ kênh điểm giáp ranh 2 thôn Quang Bị và Nam Cầu bị sụt lớn. Xã đã huy động nhanh 40 người của 2 đội sản xuất kịp thời xử lý sự cố. Do tính chất nguy hiểm, Công ty Bắc Hưng Hải đã quyết định đầu tư 500 triệu đồng, đắp lại toàn bộ bờ kênh bị sạt. Vì vậy, bờ kênh đã an toàn bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh".

Theo đại diện Công ty Bắc Hưng Hải, khi phát hiện các sự cố, công ty đã đưa ra các phương án kỹ thuật để xử lý; đồng thời phối hợp với các địa phương huy động nhân lực tại chỗ nhằm khắc phục. Việc phối hợp phát hiện, xử lý sự cố giữa công ty và các xã sở tại khá kịp thời, không để xảy ra sự cố lớn ảnh hưởng đến sản xuất.

Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải được xây dựng từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, vì vậy hiện nay nhiều cống đã bị xói lở. Trong đó, đặc biệt là cống An Thổ ở xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) bị lở 200m bờ kênh hạ lưu, có điểm sạt lở cách chân đê chỉ 1m, cần hàng trăm tỷ đồng để xử lý. Ngoài ra, trên toàn tuyến kênh, nhiều đoạn bị thu hẹp, bờ kênh mỏng, thấp, cạnh ao nuôi cá, cạnh đầm rất dễ xảy ra các sự cố như các tuyến kênh: Kim Sơn, Đĩnh Đào, Tràng Kỹ thuộc các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc; kênh tây Kẻ Sặt thuộc huyện Gia Lộc.

Đối với toàn bộ 41 đoạn sạt trượt, theo Công ty Bắc Hưng Hải thì cần khoảng trên 13 tỷ đồng để xử lý. Do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên đến nay công ty mới xử lý được 9 điểm sạt trượt với tổng chiều dài 305 m. Để hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải bảo đảm tốt chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, trước mắt trong mùa mưa bão này các địa phương có sự cố tràn bờ kênh, sạt lở hoặc có nguy cơ vỡ bờ kênh phải nhanh chóng báo cáo với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn các cấp để phối hợp xử lý. Đồng thời, phân công trực, tuần tra, kiểm tra các tuyến kênh, phát hiện xử lý sự cố ngay từ giờ đầu.

Ông Nguyễn Đức Lư, Phó Giám đốc Công ty Bắc Hưng Hải cho biết: "Việc xử lý triệt để các điểm sạt lở, sửa chữa các công trình thuộc hệ thống đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đầu tư. Trước mắt, đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, các đơn vị chức năng tổ chức giải tỏa các công trình vi phạm, tập trung giải tỏa công trình cản trở dòng chảy, công trình có khả năng gây mất an toàn cho hệ thống. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, dành nguồn quỹ PCTT để nâng cấp, đắp bờ vùng hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải. Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường phối hợp với công ty trong việc phát hiện và xử lý các sự cố".


TRẦN TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu kinh phí khắc phục