Thiếu kiên quyết trong xử lý lái xe sử dụng rượu, bia

18/08/2010 06:08

Để xảy ra tình trạng trên là do lực lượng chức năng không xây dựng chuyên đề xử lý riêng biệt; CSGT có lúc, có nơi còn thiếu kiên quyết xử lý vi phạm, lực lượng mỏng và trang thiết bị không được trang cấp đầy đủ...


Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện trên quốc lộ 5

Theo quy định trong Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 34 của Chính phủ, người điều khiển mô-tô, xe gắn máy và ô-tô (sau đây gọi chung là điều khiển phương tiện) có nồng độ cồn trong cơ thể quá mức cho phép, khi cảnh sát giao thông (CSGT) phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Quy định này nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) do các lái xe đã sử dụng rượu, bia gây ra.

Trên địa bàn tỉnh ta, sau khi các luật, nghị định có hiệu lực thi hành, cùng với xử lý các vi phạm khác, lực lượng CSGT đã tập trung xử lý hành vi sử dụng rượu, bia của người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, có rất ít đối tượng vi phạm lỗi này bị xử lý. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân: Do không xây dựng chuyên đề xử lý riêng biệt; CSGT có lúc, có nơi còn thiếu kiên quyết xử lý vi phạm này; lực lượng CSGT còn mỏng và trang thiết bị (máy đo nồng độ cồn) không được trang cấp đầy đủ... Thực tế cho thấy, không khó khăn để xác định đối tượng điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia. Ngay dọc các tuyến quốc lộ 18, 37, 5 và khu vực trung tâm các huyện, thị xã, thành phố cũng dễ dàng bắt gặp cảnh các đám thực khách "loạng choạng" rời nhà hàng. Từ các vụ TNGT cho thấy, khoảng 50% người điều khiển phương tiện không làm chủ được tay lái, tự gây tai nạn; khoảng 20% người điều khiển phương tiện quá tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định... Nhiều trường hợp này bắt nguồn từ việc đã sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đối với CSGT, để phát hiện và xử lý được các trường hợp này không hề đơn giản, do không thể ngẫu nhiên dừng phương tiện để kiểm tra. Đa phần, những người bị phát hiện sử dụng rượu, bia đều trong trường hợp CSGT dừng phương tiện để xử lý một vi phạm khác. Nhiều trường hợp đã sử dụng rượu, bia có thể phát hiện bằng cảm quan, song không có máy đo nồng độ cồn nên rất khó xử lý. Ngoài ra, một số trường hợp vi phạm chống đối, không hợp tác để kiểm tra nồng độ cồn; thậm chí, có trường hợp bỏ chạy, gây nguy hiểm cho chính đối tượng và những người cùng tham gia giao thông. Đồng thời, có lúc, có nơi CSGT ngại xử lý những trường hợp này do ngại phiền hà; mất thời gian, làm ảnh hưởng nhiệm vụ khác; người vi phạm đang trong trạng thái tâm thần bị kích động, bất hợp tác...

Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), năm 2009 và từ đầu năm đến nay cả nước đã có hơn 2.000 vụ TNGT đường bộ xảy ra liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, chiếm khoảng 10% tổng số TNGT. Tỉnh ta chưa có con số phân loại chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã từng thống kê, vào thời điểm bình thường trong năm, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 10 đến 15 nạn nhân của các vụ TNGT (còn nhiều nạn nhân TNGT đến cơ sở y tế khác). Do yêu cầu cấp cứu kịp thời nên không phân loại, song bằng cảm quan có thể nhận thấy khoảng 30-40% người bị TNGT vừa sử dụng rượu, bia.

Nếu thiếu kiên quyết trong xử lý cộng với tình trạng sử dụng rượu, bia tràn lan như hiện nay, khó có thể tránh khỏi các tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, người đã sử dụng rượu, bia nếu gây TNGT khi điều khiển ô-tô hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Do đó, để khắc phục tình trạng này cần xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông: Không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia. Đặc biệt, lực lượng CSGT cần sớm xây dựng các chuyên đề riêng biệt xử lý vi phạm của người sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện. Chuyên đề cần tập trung vào các đợt nghỉ lễ, Tết - thời điểm nhiều người sử dụng rượu, bia. CSGT cũng cần khắc phục khó khăn, tích cực đề xuất để được trang cấp đầy đủ phương tiện, trang thiết bị xử lý các trường hợp vi phạm. Cần tăng cường chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiều nhiệm vụ trong cùng một ca tuần tra, kiểm soát, phối hợp xử lý, tuyên truyền, nhắc nhở người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Đồng thời, khi phát hiện các trường hợp này cần xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn địa bàn.

Người điều khiển phương tiện mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80miligam/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg-0,4mg/lít khí thở sẽ bị xử lý như sau: Người điều khiển mô-tô, xe gắn máy phạt từ 200 nghìn đến 400 nghìn đồng. Nếu nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở vượt quá 2 ngưỡng cao nhất nêu trên, số tiền bị xử phạt sẽ tăng lên từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Với người điều khiển xe ô-tô vi phạm ngưỡng trên sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Trường hợp lái xe ô-tô có nồng độ cồn vượt ngưỡng này, mức phạt sẽ từ 4 triệu đến 6 triệu đồng.(Nghị định 34/2010/NĐ-CP)

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Thiếu kiên quyết trong xử lý lái xe sử dụng rượu, bia