Bên cạnh những điểm sáng tích cực, hội diễn năm nay còn thiếu vắng kịch bản hay, thiếu diễn viên trẻ từ vai chính cho đến dàn đồng ca...
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải A cá nhân cho các diễn viên, nhạc công
Hội diễn sân khấu không chuyên năm nay được tổ chức ở cấp huyện và tỉnh. Đối với cấp huyện, từ đầu tháng 5, các hội diễn đã được triển khai, tạo thành sân chơi văn hóa bổ ích trong cộng đồng. Đã có 11 trên tổng số 12 huyện, thành phố, thị xã tổ chức được hội diễn (huyện Thanh Miện không tổ chức), với 160 tiết mục sân khấu được dàn dựng, biểu diễn. Nội dung các tiết mục xoay quanh các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phản ánh cuộc sống lao động của nhân dân, phê phán các tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực gia đình... Hội diễn cấp huyện đã thu hút 3.591 diễn viên, nhạc công của trên 680 đội chèo, kịch quần chúng. Kết thúc, các huyện, thành phố, thị xã đã trao 175 giải tập thể và 342 giải cá nhân và lựa chọn được các đội xuất sắc nhất tham gia hội diễn cấp tỉnh.
Vở kịch nói " Nỗi đau nơi cửa thiền" của thôn Lũng Quý, Kiến Quốc (Ninh Giang) đoạt giaỉ A tại hội diễn
Hội diễn sân khấu không chuyên cấp tỉnh đã trở thành một sự kiện văn hóa lớn. Hội diễn đã thu hút gần 300 diễn viên, nhạc công là các hạt nhân văn nghệ đại diện cho 12 huyện, thành phố, thị xã. Ông Trần Đình Ngôn, nguyên Viện trưởng Viện Sân khấu Việt Nam, giám khảo của hội diễn nhận xét: Hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh Hải Dương đã thành công tốt đẹp. Các vở diễn đã thể hiện sức sống mạnh mẽ của phong trào sân khấu không chuyên tỉnh nhà trong thời buổi cơ chế thị trường với bao khó khăn. Về mặt nghệ thuật, hầu hết các đội chèo có truyền thống lâu năm vẫn giữ được phong độ, như: Kiến Quốc (Ninh Giang), Nam Hưng (Nam Sách), Phú Thứ (Kinh Môn) và xuất hiện thêm những đội chèo mới, những hạt nhân mới, như: An Lạc (Chí Linh), Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương). Hội diễn tiếp tục phát huy được truyền thống của chiếng chèo Đông, nhiều vở diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Với 97% số tiết mục là các tác phẩm chèo, chứng tỏ hát chèo truyền thống luôn được gìn giữ, lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng. Kịch nói xuất hiện quá ít trên sân khấu nhưng cũng cho thấy một triển vọng đáng mừng. Đã có những dàn nhạc tuy số lượng nhạc công ít nhưng chơi bài bản, ăn ý, tạo hiệu quả tốt trong âm nhạc sân khấu chèo như huyện Bình Giang. Bằng năng khiếu và tình yêu nghệ thuật, sự say mê với phong trào văn nghệ cơ sở, các diễn viên, nhạc công không chuyên đã cháy hết mình để hóa thân vào nhân vật, tỏa sáng trong vai diễn. Hội diễn cũng là ngọn lửa khơi dậy phong trào văn hóa, văn nghệ ở các thôn, khu dân cư.
Bên cạnh những thành công, hội diễn sân khấu không chuyên năm nay cũng bộc lộ không ít hạn chế khiến người làm công tác văn hóa trăn trở. Ông Trần Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Trước hết là công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Có địa phương không tổ chức hội diễn cấp huyện, việc đầu tư cho đơn vị tham gia hội diễn lại giao cho cơ sở dẫn đến nội dung vở diễn yếu, chất lượng nghệ thuật chưa cao như Thanh Miện. Lại có địa phương chỉ có 4 đơn vị tham gia hội diễn cấp huyện như Kinh Môn. Điều đó khiến cho không thể đánh giá đúng chất lượng phong trào ở địa phương, đồng thời không khích lệ được những người sáng tạo nghệ thuật. Các địa phương thiếu sự đầu tư và chỉ đạo trọng điểm, lệ thuộc vào sự dàn dựng chương trình của cơ sở dẫn đến giảm sút chất lượng nghệ thuật biểu diễn. Các chương trình tham gia hội diễn tương đối phong phú về đề tài, chủ đề, tuy nhiên những đề tài, chủ đề cần tập trung phản ánh như xây dựng nông thôn mới lại chỉ có hai vở diễn và không mới. Hội diễn năm nay cũng thiếu vắng kịch bản hay, thiếu diễn viên trẻ từ vai chính cho đến dàn đồng ca, dàn múa, đội ngũ nhạc công có trình độ cũng như thiếu tác giả, đạo diễn có tố chất, kinh nghiệm. Do đó, đã hạn chế thành công của hội diễn. Vì vậy, các vở được trao giải xuất sắc năm nay cũng chưa thật sự xứng tầm”.
Thành công của hội diễn là đáng mừng. Song thực trạng của sân khấu không chuyên buộc những người làm công tác văn hóa phải nghĩ tới những giải pháp hữu hiệu để nuôi dưỡng và phát triển phong trào.
NGỌC HÙNG