Ở Hải Dương, các loại hình âm nhạc truyền thống rất phong phú, đa dạng nhưng chưa được quan tâm bảo tồn đúng mức.
Đa dạng loại hình
Hát văn khó có "đất" diễn. Ảnh: Thiện Tín
Trên địa bàn tỉnh còn nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như ca trù, tuồng, hát văn, trống quân, múa rối nước… Đặc biệt, chúng ta tự hào là vùng đất khởi thủy của nghệ thuật chèo. Gắn với mỗi loại hình là âm nhạc truyền thống, các nhạc cụ đặc trưng như sáo, nhị, trống, đàn…
Sự đặc sắc về nhạc của ca trù được tạo ra bởi cây đàn đáy độc đáo từ hình dáng đến âm thanh của kép đàn cùng bộ phách gõ nhịp của ca nương, tiếng trống chầu của người thưởng ngoạn. Với hát văn, các nhạc cụ chính gồm đàn nguyệt, trống con, phách, thanh la... tạo thành một dàn nhạc truyền thống đặc sắc ca ngợi ân đức các vị thánh. Còn làm nên sức sống của nghệ thuật chèo là dàn nhạc dân tộc với các nhạc cụ đặc trưng của đàn tam, sáo, nhị, trống…
Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong những năm qua, ngành văn hóa tỉnh nhà đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, gìn giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có nhạc cổ truyền, khuyến khích các địa phương thành lập đội văn nghệ, đội nhạc truyền thống. Các địa phương đã quy tụ những người biết sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc tham gia sinh hoạt tại các đội văn nghệ, câu lạc bộ (CLB) văn nghệ cũng như truyền nghề cho người khác. Mỗi năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh mở được từ 2-3 lớp bồi dưỡng kiến thức, trong đó có âm nhạc các bộ môn chèo, ca trù.
Mỗi loại hình các CLB đã xây dựng được các đội nhạc truyền thống đặc trưng. Hiện 5 CLB ca trù trên địa bàn tỉnh đều thành lập được đội nhạc. Các nhạc công đều chơi thành thục các loại nhạc cụ cho các thể cách, lối hát. Các thành viên trong CLB còn tự truyền nghề, đào tạo các lớp nhạc công kế cận tại địa phương. Cùng với sự hỗ trợ của ngành văn hóa, 3 phường rối nước Hồng Phong (Ninh Giang), Thanh Hải (Thanh Hà), Lê Lợi (Gia Lộc) đã xây dựng được đội nhạc truyền thống phục vụ hiệu quả công tác biểu diễn. Trong Liên hoan múa rối nước tỉnh Hải Dương lần thứ V năm 2015, đội nhạc múa rối nước Thanh Hải được trao giải xuất sắc.
Đối với loại hình hát chầu văn, mặc dù mức độ phổ biến không rộng rãi, song trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành nhiều đội hát văn với các cung văn sử dụng thành thục nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Làng An Mô, xã Lê Lợi (Chí Linh) hiện có trên 50 cung văn có thể vừa hát vừa chơi thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống.
Nổi bật hiện nay phải nói tới bộ môn chèo truyền thống. Toàn tỉnh hiện có 617 đội, CLB chèo. Trong đó có nhiều đội nhạc chèo sử dụng đủ nhạc cụ cơ bản. Đội chèo xã Nam Hưng (Nam Sách) được thành lập năm 1965 phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương và là món ăn tinh thần đặc sắc của nhân dân trong xã. Nhạc trưởng Nguyễn Đăng Dâu cho biết: “50 năm qua đội đã dàn dựng được 30 vở ngắn, 9 vở dài để phục vụ nhiệm vụ chính trị, đời sống tinh thần của nhân dân trong, ngoài tỉnh. Đội đã xây dựng được đội nhạc chèo với các nhạc công lão luyện, chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Hiện nay, đội có 18 diễn viên, nhạc công đã được đào tạo qua các lớp bồi dưỡng nghệ thuật chèo”. Bản thân ông Dâu không chỉ là nhạc trưởng, người truyền dạy các loại nhạc cụ cho thế hệ kế cận mà còn tự viết nhạc cho các vở diễn của đội.
Cũng được thành lập từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, đội nhạc chèo của xã Nhân Quyền (Bình Giang) hiện có 5 nhạc công chơi nhị, sáo, trống, đàn tam, phục vụ tốt cho đội văn nghệ của xã và nhiều đội văn nghệ của các địa phương khác.
Nguy cơ mai một |
Những câu lạc bộ hoạt động bài bản trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống hiện không nhiều. Trong ảnh: Câu lạc bộ Ca trù xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) tham gia chương trình giao lưu ca trù tỉnh Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Thiện Tín |
Hiện nay, ngoài các CLB ca trù hoạt động bài bản được bảo tồn bằng nguồn kinh phí của chương trình bảo vệ khẩn cấp thì hầu hết các đội nhạc truyền thống thành lập tự phát. Vì vậy, người biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống tự truyền nghề cho những người khác theo kinh nghiệm chứ không nắm rõ nhạc lý làm ảnh hưởng chất lượng của các đội nhạc truyền thống. Toàn tỉnh có 617 đội chèo, CLB chèo song mỗi huyện, thành phố, thị xã cũng chỉ có từ 1-2 đội nhạc chèo theo đúng nghĩa: huyện Kinh Môn có CLB Bông Sen; thị xã Chí Linh có CLB Đàn hát dân ca; huyện Nam Sách có Đội chèo xã Nam Hưng; huyện Bình Giang có Đội chèo xã Nhân Quyền và xã Tân Hồng... Số lượng các đội chèo, CLB chèo có từ 1-2 nhạc công không nhiều.
Các lớp tập huấn của ngành văn hóa do chỉ tổ chức trong thời gian ngắn nên không có khả năng đào tạo nhạc công mà chỉ có thể giúp người học nâng cao kiến thức âm nhạc, kỹ năng sử dụng nhạc cụ…
Việc thiếu hụt đội ngũ kế cận nhạc cổ truyền đang là vấn đề đáng lo ngại. Hầu hết nhạc công trong các đội nhạc truyền thống đều là người cao tuổi. Đội tuồng xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) được Nhà hát Tuồng Việt Nam đào tạo từ năm 1963. Đến nay, đội còn gần 20 người, trong đó nhạc công còn 4 người thì đều đã từ 60-70 tuổi. Ông Vũ Thạch Lai, nhạc công của đội trăn trở: “Đào tạo được một nhạc công tuồng kỳ công lắm. Ngoài năng khiếu thì thời gian làm quen với các loại nhạc cụ cũng mất vài tháng. Hiện nay, sự mến mộ nghệ thuật tuồng chỉ còn lại trong phạm vi hẹp nên lớp trẻ chẳng ai muốn học nhạc tuồng. Nếu không có hướng bảo tồn thì khi lớp nhạc công chúng tôi mất đi, nhạc tuồng có thể cũng sẽ đi theo. Mong muốn của chúng tôi là được các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ kinh phí để đào tạo nhạc công, mua sắm nhạc cụ”.
Theo ông Vũ Công Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, hiện nay, số lượng các đội nhạc truyền thống, đặc biệt là nhạc chèo trên địa bàn tỉnh rất mỏng. Nếu không được quan tâm bảo tồn đúng mức thì khoảng 10 năm nữa, nguy cơ mai một khó tránh khỏi. Để phát triển các đội nhạc truyền thống thì phải có sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền trong tỉnh, các cơ quan chức năng, nhất là ngành văn hóa. Cần có chính sách cụ thể để bảo tồn, gìn giữ âm nhạc cổ truyền. Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh nên mở lớp đào tạo nhạc công với các chế độ ưu đãi cụ thể để thu hút học viên. Bên cạnh đó, nên đưa âm nhạc dân tộc vào học đường, giáo dục cho học sinh hiểu biết, trân trọng các giá trị nghệ thuật truyền thống.
NGỌC HÙNG